Hoa càng cua hay Lan càng cua, khởi đầu chỉ là một cây dại, nhưng nhờ vẻ đẹp độc đáo mà dần được yêu thích và dùng làm cây cảnh trưng bày.
Vậy trồng và chăm sóc cây hoa lan càng cua có khó không?
Chúng ta cùng tìm hiểu qua một vài thông tin hữu ích dưới đây nhé.
Tổng quan về hoa lan càng cua
Hoa càng cua có tên khoa học là Schlumbergera truncata, là một loài thực vật có hoa trong họ Xương rồng (Cactaceae), có họ hàng với hoa quỳnh và xương rồng tai thỏ. Cây có nguồn gốc từ các nước Nam Mỹ, sau đó lan dần ra nhiều khu vực khác.
Tại Việt Nam, Hoa càng cua còn được gọi với nhiều tên khác như tiểu quỳnh, nhật quỳnh, lan càng cua…

Trong tự nhiên, lan càng cua là loài sống phụ sinh, mọc trên các thân cây khác, bám rễ vào vỏ, hút dinh dưỡng từ cây mẹ và nước mưa.
Cây mọc theo dạng bụi với chiều cao trung bình từ 20 – 40cm, phần gốc hoá gỗ, thân cây chia làm nhiều cành nhánh.
Cành cây khá dày, mọc thành từng đốt tương tự cây xương rồng nhưng dẹt hơn, mép có răng cưa, bên ngoài có màu xanh thẫm, bên trong mọng nước. Các cành kéo dài rồi rũ ra xung quanh, dài từ 30 – 50cm.
Hoa càng cua tập trung ở đầu cành, kích thước khá to, các cánh hoa xếp dạng xoắn ốc không cân xứng, khá giống với càng cua. Màu của hoa cũng rất đa dạng từ tím, hồng, đỏ, trắng, vàng, cam…
Sau khi hoa tàn, cây sẽ ra quả có dạng hình tròn, màu đỏ, kích thước nhỏ.
Về đặc tính sống, hoa càng cua là loài sinh trưởng nhanh, ưa bóng, sinh trưởng tốt tại nơi râm mát, ưa đất mùn, nhu cầu nước ít, có thể nhân giống bằng hạt hoặc giâm cành, ghép gốc.
Ý nghĩa cây hoa càng cua
Hoa càng cua thưởng nở đúng vào dịp lễ giáng sinh, do đó, nhiều người quan niệm rằng loài hoa này mang tới cho người trồng nhiều may mắn, với một năm mới nhiều thành công, vượt xa năm cũ.
Công dụng của lan càng cua
Công dụng thường thấy nhất của cây lan càng cua chính là làm cảnh, thường lan càng cua được trồng trong chậu treo, trang trí ở ban công, cửa sổ, hiên nhà, làm đẹp không gian trên cao.
Ngoài ra, bạn còn có thể trồng như cây để bàn, trang trí bàn học, bàn làm việc, bàn ăn, giếng trời. Nếu có sân vườn, bạn cũng hoàn toàn có thể trồng lan càng cua để trang trí tiểu cảnh hay tô điểm thêm cho các cây có kích thước lớn.

Ngoài công dụng làm cảnh, cây lan càng cua còn được biết đến với khả năng loại bỏ nhiều khí độc hại, mang tới cho bạn không gian sống trong lành. Nhiều nơi còn tận dụng loài cây này như một phương thuốc, trị các bệnh viêm, xưng.
Cách trồng chăm sóc cây hoa càng cua
Nhờ khả năng sinh trưởng tốt và phù hợp với nhiều môi trường mà quá trình trồng và chăm sóc cây hoa càng cua không có gì quá phức tạp. Dưới đây là một vài kinh nghiệm bạn có thể tham khảo qua.
Đất trồng
Để cây hoa càng cua sinh trưởng tốt, bạn cần chuẩn bị đất trồng giống môi trưởng vỏ cây nhất có thể. Tốt nhất là trộng đất với mùn, xơ dừa, vỏ mục, phân hữu cơ.
Chậu trồng cũng cần có lỗ thoát nước, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí: dinh dưỡng, tơi xốp và khả năng thoát nước.
Nhân giống
Hiện nay, các phương pháp nhân giống hoa càng cua phổ biến nhất là giâm cành và ghép gốc.
Giâm cành:
Cách giâm cành khá giống các loại cây khác, từ thân chính bạn chọn ra nhánh mới to khoẻ, không sâu bệnh sau đó cắt theo từng đốt.
Cắt xong thì hong khô khoảng 1 – 2 ngày sau đó cắm vào phần đất đã chuẩn bị từ trước, tưới nước cho ẩm đất. Tiếp đó cứ 3 ngày lại tưới nước 1 lần để duy trì độ ẩm, chỉ sau khoảng 3 tuần là nhánh sẽ bén rễ và sinh trưởng như một cây mới.
Ghép gốc:
Đây là phương pháp rất độc đáo, khi bạn dùng gốc của cây xương rồng, thanh long để ghép cho hoa càng cua, phương pháp này giúp cây sinh trưởng nhanh, hoa nở nhiều nên rất được yêu thích.
Đầu tiên dùng dao sắc cắt các nhánh lan dài khoảng 2 – 3 đốt ngón tay , sau đó xén hình chữ V ở cả nhánh và gốc ghép, sau đó gắn nhánh ghép và gốc sao cho khớp vào nhau.
Dùng nilon buộc chặt và giữ cây ở nơi mát mẻ, khô ráo. Chỉ sau khoảng nửa tháng là phần ghép sẽ ổn định và cây sẽ tiếp tục sinh trưởng.
Lưu ý là khi tưới cây chỉ tưới vào đất, không để nước lan vào chỗ ghép.

Tưới nước
Hoa càng cua có thân mọng nước, nên nhu cầu tưới không nhiều, tốt nhất khi nào thấy bề mặt đất khô thì bạn tưới một ít để duy trì độ ẩm.
Lúc nào cây chuẩn bị nở hoa thì bạn tưới thêm nước để hoa nở đều và đẹp, chú ý không tưới quá đẫm có thể khiến cây bị úng rễ nhé.
Sau khi hoa tàn thì hạn chế tưới nước, thay vào đó hãy để cây ở nơi mát mẻ khi nào thấy mầm nhú thì tưới trở lại.
Ánh sáng
Hoa càng cua là loài sống dưới bóng các cây lớn, nhu cầu ánh sáng ít, ưa mát mẻ, nên bạn cần đặt cây ở những nơi tránh nắng gắt nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng.
Mỗi tuần chỉ cần mang chậu ra phơi nắng sớm khoảng 1 – 2 tiếng cho hoa quang hợp là đủ. Nhìn chung không có gì quá phức tạp.
Dinh dưỡng
Nhu cầu dinh dưỡng của hoa càng cua không cao, để cây sinh trưởng tốt thì định kỳ 1 – 2 tháng bạn hoà phân hữu cơ với nước rồi tưới cho cây là được.
Vào giai đoạn cây sắp ra hoa thì có thể bón thúc thêm phân cho cây để hoa nở đều và đẹp.

Phòng trừ sâu bệnh
Hoa càng cua ít khi bị sâu bệnh, nhưng thi thoảng cũng gặp phải các trường hợp như rụng hoa hàng loạt, vàng cây, thường nguyên nhân là do thiếu chất hoặc nhện đỏ.
Bạn chỉ cần bón thêm phân cho cây là có thể khắc phục được. Nếu có nhện đỏ thì loại bỏ nó là xong.
Trên đây là những thông tin về cây hoa lan càng cua, hy vọng qua đó bạn đã có đủ hiểu biết để tự tay trồng và chăm sóc loài cây độc đáo này.
Chúc bạn thành công.