Hoa nhài hay hoa lài, là cây cảnh rất quen thuộc ở Việt nam, nhưng bạn có biết, hoa nhài còn mang đến nhiều công dụng tuyệt vời khác.
Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng cũng như cách trồng và chăm sóc cây hoa nhài hiệu quả.
Tổng quan về cây hoa nhài
Hoa nhài hay hoa lài, có tên khoa học là Jasminum sambac, là một loài thực vật có hoa thuộc chi Nhài (Jasminum), họ Nhài (Oleaceae) cùng họ với hoa tử đinh hương. Cây có nguồn gốc từ Nam Á và Đông Nam Á, được ưa chuộng ở nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Cây hoa nhài là loài thân bụi, có thể mọc leo, kích thước khá nhỏ chỉ cao từ 50cm – 2m, trong điều kiện thích hợp có thể cao tới 3m.
Cây phân làm nhiều cành nhánh, tạo dáng vẻ um tùm. Lá mọc nhiều khắp cành, có hình bầu dục nhọn dần về phía ngọn, dài từ 8 – 10cm. Mặt trên của lá bóng, mặt dưới có lông nhỏ, các đường gân so le và nổi rõ.
Nụ hoa nhài có màu trắng xanh, mọc thành chùm ở ngọn cành, mỗi cụm thường có từ 3 – 15 bông. Mỗi khi nở, hoa nhài toả màu trắng đẹp mắt, đường kính hoa chỉ khoảng 4cm, các cánh hoa hình bầu dục xếp xoáy từ trong ra ngoài, có mùi rất thơm.
Hoa nhài có thể nở quanh năm, nhưng chủ yếu tập trung vào khoảng thời gian tháng 4 – 9.

Quả nhài có dạng hình cầu, màu đen, bên trong có 2 ngăn chứa hạt, tiếc là cây hoa nhài trồng cảnh ít khi ra quả.
Ý nghĩa của hoa nhài (hoa lài)
Hoa nhài khi nở sẽ toả ra một màu trắng đẹp mắt, đại diện cho sự ngây thơ, trong sáng, thuần khiết. Trong tình yêu, hoa nhài tượng trưng cho thứ tình cảm thuỷ chung, không vụ lợi.
Tại nhiều nơi, hoa nhài là biểu tượng cho sự thanh tẩy, thoát khỏi bụi trần, bởi vậy mà thường được dùng trong các đám tang với mong muốn mang lại sự yên bình cho người đã khuất.

Trong phong thuỷ, cây hoa nhài phù hợp với mọi tuổi, nhưng phát huy tối đa đối với người có mệnh kim hay mệnh thuỷ.
Công dụng cây hoa lài
Nhờ dáng vẻ um tùm, mỗi khi nở hoa lại phủ lên màu trắng tinh khôi và toả ra mùi hương thơm ngát, cây hoa lài được yêu thích và trồng cảnh ở nhiều khu vực khác nhau.
Bạn có thể trồng cây ở sân vườn, trang trí tiểu cảnh, các khu vực công cộng như trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng…
Những cây nhỏ, bạn có thể trồng trong chậu, trang trí ở ban công, gần cửa sổ, đặt phòng khách hay giếng trời.

Theo nhiều ghi chép Đông Y, các bộ phận trên cây hoa lài như rễ, lá và hoa đều có thể sử dụng để trị các bệnh thường gặp như sốt, đau bụng, mụn nhọt độc. Hoa sắc nước dùng rửa mặt, chữa viêm màng khóe mắt và màng mộng, chữa trẻ em lên sởi có sốt, sởi mọc không đều. Tất nhiên để sử dụng hiệu quả, nhất là làm thuốc thì bạn cần có sự tư vấn chính xác của chuyên gia.
Hoa nhài còn được chiết xuất làm tinh dầu và chưng cất làm nước hoa.
Nhiều nơi hiện nay trồng hoà nhai số lượng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có nên trồng hoa nhài trong nhà không
Như đã thông tin ở trên, hoa nhài là một trong những cây cảnh phong thuỷ tốt, có thể trồng ở nhiều vị trí như phòng khách, cửa sổ, ban công, giếng trời… qua đó ta cũng nắm được là cây hoa nhài hoàn toàn có thể trồng ở trong hoặc trước nhà mà không gặp vấn đề gì.
Cách trồng và chăm sóc cây hoa nhài
Một trong những lý do mà hoa nhài được ưa chuộng ở Việt Nam là vì loài cây này có khả năng thích nghi cực kỳ tốt. Bạn có thể dễ dàng trồng và chăm sóc hoa lài, chỉ cần lưu ý một vài điểm sau đây.
Đất trồng
Hoa nhài không kén đất, bởi vậy bạn có thể chọn luôn đất tại chỗ, sau đó pha thêm ít cát, phân chuồng, mùn trấu, xơ dừa để tăng độ tơi xốp. Nếu trồng hoa nhài trong chậu thì chậu phải có lỗ thoát nước tránh ngập úng.
Nhân giống
Phương pháp đơn giản nhất để nhân giống hoa nhài là giâm cành, chỉ cần chọn từ cây mẹ ra một cành bánh tẻ mập mạp, không sâu bệnh, sau đó cắt một đoạn tầm 15cm.
Nhúng cành trong dung dịch kích rễ khoảng nửa tiếng, sau đó cắm xuống phần đất đã chuẩn bị từ trước, tưới đẫm nước lần đầu tiên, sau đó cứ thấy đất xe khô thì tưới để duy trì độ ẩm.
Sau khoảng 2 – 3 tuần là cành sẽ bén rễ và phát triển thành cây mới, bạn tiếp tục chăm sóc cho cây phát triển.

Tưới nước
Hoa nhài hay hoa lài có khả năng chịu hạn tốt nên nhu cầu nước không cao, thậm chí tưới nhiều còn có thể khiến cây bị úng rễ. Do đó, mỗi tuần bạn chỉ cần tưới cho cây khoảng 2 – 3 lần, mỗi lần tưới chỉ cần làm đủ ẩm đất và tưới vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Ánh sáng
Là loài cây ưa sáng, có thể chịu được ánh sáng mạnh, bạn nên trồng cây hoa nhài ở nơi có nhiều ánh sáng, rộng rãi và thoáng mát. Tất nhiên, khi cây còn nhỏ, khả năng chống chịu còn kém thì bạn nên che lưới mỗi khi nắng quá gắt.

Dinh dưỡng
Bạn bón phân định kỳ cho cây nhài mỗi tháng một lần là được. Có thể dùng phân hữu cơ hoặc phân vi sinh.
Phòng trừ sâu bệnh
Hoa nhài ít khi bị sâu bệnh, thi thoảng có thể gặp phải tình trạng sâu ăn lá, rầy nấm. Bạn nên thường xuyên quan sát, nếu phát hiện thì loại bỏ ngay, tình trạng nặng có thể mua thuốc bảo vệ thực vật về phun.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây hoa nhài hay hoa lài, hy vọng qua đó bạn đã có cái nhìn chi tiết hơn, có thể tự mình trồng và chăm sóc hoa nhài một cách hiệu quả.
Chúc bạn thành công.