Cây hoa phượng chắc không còn quá xa lạ với chúng ta, với tán cây rộng, sắc hoa rực rỡ, phượng vĩ rất được yêu thích để làm cây cảnh công trình.
Không chỉ vậy, cây hoa phượng đỏ còn rất ý nghĩa với tuổi học trò.
Cùng tìm hiểu kỹ hơn về loài cây này qua những thông tin dưới đây nhé.
Tổng quan về cây hoa phượng vĩ
Hoa Phượng có tên khoa học là Delonix regia, đây là một loài cây thân gỗ có hoa, thuộc chi Phượng vĩ (Delonix), họ Đậu (Fabaceae).
Cây phượng có nguồn gốc từ Madagascar, hiện nay cây không còn quá nhiều trong tự nhiên, nhưng nhờ vẻ đẹp của mình mà cây được con người trồng nhiều. Tại Việt Nam, cây còn được gọi với nhiều cái tên khác như phượng vĩ, xoan tây, điệp tây…

Phượng vĩ là loài thân gỗ có chiều cao trung bình từ 10 – 20m, cây chia làm nhiêu cành nhánh tỏa ra tán rất rộng. Vỏ cây có màu trắng xám, không quá sần sùi, rễ đâm sâu.
Cây có lá dạng chét lông chim, nhưng đặc biệt là có 2 tầng. Cành lá dài từ 30 – 50cm, mọc dọc cành là khoản 20 – 40 lá nhỏ hơn. Dọc các lá nhỏ hơn đó lại có thểm 20 lá nhỏ hơn nữa.
Lá cây có màu xanh nhạt, sáng, mọc sát nhau, cũng nhờ vậy mà tán lá phượng vĩ luôn cho dáng vẻ um tùm, tỏa bóng tốt.
Điểm nổi bật của cây hoa phượng nằm ở hoa. Cụ thể hoa phượng vĩ có màu đỏ tươi hoặc cam, kích thước có thể lên tới 8cm. Trong đó 4 cánh hoa có cuống dài, mỏng, tỏa xung quanh, một cánh mọc ở giữa lớn hơn, pha chút màu trắng hoặc vàng, mép cánh hơi nhăn.
Mỗi khi hoa nở sẽ trải thành từng chùm phủ kín cây, tạo nên một màu đỏ rực bắt mắt.
Quả phượng tương tự các cây họ đậu, đó là thuôn dài và dẹt, có nhiều hạt bên trong, nhưng quả phượng có kích thước khá lớn, có thể dài tới 60cm. Hạt bên trong cũng dạng dẹt thuôn dài, bao bọc là một lớp keo mỏng.
Về đặc tính sống, hoa phương có tốc độ sinh trưởng trung bình, sống tốt trong nhiều môi trường khác nhau, ưa sáng, ưa ẩm nhưng vẫn chịu được khô hạn, không chịu được ngập úng.
Tuy là loài cây có kích thước khá lớn nhưng tuổi thọ của phượng vĩ chỉ từ 30 – 50 năm.
Một vài hình ảnh về cây phượng vĩ:





Cùng họ Fabaceae còn có nhiều cây cảnh công trình đẹp khác như hoa vàng anh, muồng hoàng yến hay cây giáng hương…
Công dụng của cây hoa phượng đỏ
Công dụng đầu tiên phải kể đến chính là làm cây cảnh. Cây hoa phượng với tán lá xanh tươi, phủ bóng tốt, mỗi khi nở hoa lại tràn ngập sắc đỏ, thường được ưa chuộng để tạo cảnh quan công trình.
Các khu vực thường được trồng phượng vĩ có thể kể đến như trường học, bệnh viện, vỉa hè, công viên, khi đô thị hay thậm chí là sân vườn biệt thự. Trong đó trường học là được trồng nhiều nhất.

Gỗ của cây phượng thường không bị rạn nứt, lại đặc nên được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng hay làm đồ nội thất.
Phượng vĩ còn được tinh chế để sản xuất các loại dầu thơm xoa bóp, giải tỏa căng thẳng cơ bắp và thần kinh.
Không chỉ vậy, các bộ phận như rễ, vỏ và lá phượng vĩ còn được chế biến để làm nhiều loại thuốc, giúp hạ nhiệt, chống sốt, trị sốt rét, đầy bụng, giảm huyết áp…
Tại khu vực Caribe, người dân còn sử dụng quả phượng vĩ như một công cụ trong bộ gõ âm nhạc shak-shak hay maraca.
Ý nghĩa của hoa phượng đỏ
Phượng đỏ từ lâu đã là biểu tượng gắn liền với tuổi học trò, là biểu tượng của tình bạn, tình yêu ngây thơ trong sáng.
Mỗi khi hoa phượng nở, báo hiệu một mùa hè nữa lại đến, những cánh phượng ép vào vở như một lời chia tay, một lời hứa hẹn vào năm học mới sau những ngày hè.

Không chỉ gắn liền với kỷ niệm tuổi học trò, hoa phượng vĩ còn mang dáng vẻ của chim phượng, mang ý nghĩa báo hiệu tin vui về một mùa vụ bội thu.
Cách nhân giống và trồng cây hoa phượng vĩ
Trước khi nhân giống ta cần chuẩn bị bầu đất và đất trồng. Đất trồng thì bạn chọn luôn đất tại chỗ, sau đó hòa thêm ít phân chuồng, pha chút cát, xơ dừa để tăng độ tơi xốp. Bầu đất thì cần có lỗ thoát nước bên dưới để tránh úng rễ.
Nhân giống hoa phượng bằng hạt, sau khi chọn được hạt to khỏe, không sâu bệnh, ta ngâm hạt trong nước ấm 40 – 50 độ C. Ngâm trong nước đó khoảng 12 tiếng thì vớt ra sau đó ủ tiếp trong túi vải.
Mỗi ngày đem ra rửa trong nước ấm 1 lần để rửa chua. Khoảng 3 – 5 ngày là hạt sẽ nứt nanh, bây giờ bạn chỉ việc vùi hạt vào bật đất đã chuẩn bị từ trước. Tưới đẫm nước, làm giàn che đầy đủ, sau đó tưới nước để duy trì độ ẩm cho đất thường xuyên là xong, khoảng 10 – 15 ngày là hạt sẽ nảy mầm thành cây con.
Tiếp tục tưới nước, chăm sóc tới khi cây đạt kích thước 40cm trở lên thì có thể trồng ra đất. Bạn nên trồng vào mùa xuân hoặc thu để thời tiết phù hợp, nâng cao khả năng sống sốt của cây.

Khi trồng cây, cần đào hố trước 7 ngày, hố trồng cần lớn hơn bầu đất. Sau khi chuẩn bị hố xong thì bạn không cần xé hẳn bầu ra mà chỉ cần rạch nhiều đường trên bầu rồi đặt cả bầu xuống, lấp đất lại.
Nếu trồng nhiều cây thì cần đảm bảo khoảng cách cây cách cây 6m. Sau khi trồng xong, cần chống cọc để neo giữ, tránh mưa gió làm gãy đổ cây, khi nào cây cứng cáp hơn (khoảng 4 tháng) thì có thể bỏ cọc đi.
Chăm sóc cây hoa phượng đỏ
Là một cây có kích thước lớn, khả năng thích nghi của cây phượng là tương đối tốt. Để cây phủ tán rộng và ra hoa đẹp, bạn chỉ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Nước tưới: khi cây còn nhỏ, hãy duy trì việc tưới nước cho cây hàng ngày, ít nhất thì 2 – 3 lần mỗi tuần. Sau này khi cây đã lớn thì có thể giãn ra mỗi tuần 1 lần hoặc không cần tưới cũng được.
- Ánh sáng: là cây ưa sáng và cần nhiều không gian để phát triển, bạn nên trồng cây ở những nơi thoáng mát, rộng rãi. Nếu trồng cây ở nơi chất hẹp, ít ánh sáng thì cây sẽ sinh trưởng kém, dễ chết.
- Dinh dưỡng: khi cây còn nhỏ, bạn nên duy trì bón phân NPK cho cây khoảng 4 tháng 1 lần. Khi cây đã lớn thì chỉ cần bón mỗi khi cây sắp ra hoa. Không bón phân vào thẳng gốc mà nên đào rãnh cách gốc 20cm rồi bón. Sau khi bón nhớ tưới đẫm nước, không bón phân vào mùa đông.
- Phòng trừ sâu bệnh: trong quá trình chăm sóc, bạn cần định kỳ làm cỏ quanh gốc nửa năm 1 lần. Tiếp đó, cây phượng ví thường gặp tình trạng sâu ăn lá và sâu đục thân, bạn cần thường xuyên kiểm tra để phun thuốc kịp thời, tránh để tình trạng lan rộng.

Trên đây là những thông tin về cây hoa phượng, chắc hẳn bạn cũng đã hiểu rõ hơn về đặc điểm, đặc tính sống cũng như cách chăm sóc loài cây nhiều ý nghĩa này rồi.
Chúc bạn thành công.