Hoa thủy tiên với bộ rễ và dáng hoa đẹp đẽ, gần đây được nhiều người yêu thích, lựa chọn để trưng bày trong nhà vào mỗi dịp lễ Tết.
Không chỉ vậy, thủy tiên còn là loài hoa cực kỳ ý nghĩa.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng tham khảo những thông tin về cây hoa thủy tiên dưới đây nhé.
Đặc điểm cây hoa thủy tiên
Hoa thủy tiên thực chất là tên một chi thực vật với khoảng 50 loài, có tên khoa học là Narcissus, thuộc họ Loa kèn đỏ (Amaryllidaceae). Đây là loài thân hành cứng có nguồn gốc từ ven bờ Địa Trung Hải, là loài cây mang tính biểu tượng tại xứ Wales, có họ hàng với các loài như hoa tóc tiên, bạch trinh biển hay lan quân tử.

Cây thủy tiên phát triển theo bụi và có chiều cao từ 20 – 60cm. Cây có dạng 1 thân mọc thẳng, bao quanh là các lá thuôn dài, đầu lá hơi nhọn. Lá cây có màu xanh thẫm, dày nhưng không cứng.
Phía dưới thân là củ khá to, không chỉ có một củ to mà xung quanh còn có nhiều củ nhỏ để phát triển thành bụi mới.
Nhìn chung, thân, lá và củ của hoa thủy tiên khá giống với các loại cùng họ hành tỏi khác.
Hoa thủy tiên nở ở ngọn thân, có hình loa kèn với các cánh hoa màu trắng, bên trong là các cánh nhỏ màu vàng. Cánh hoa hơi mỏng, có hình trứng, nhọn ở đầu, mép nguyên và tỏa hương thơm khá dễ chịu.
Cây hoa thủy tiên thường nở hoa từ tháng 12 – tháng 4 năm sau, ngay vào dịp năm mới nên được nhiều người chọn làm cây cảnh.
Về đặc tính sống, thủy tiên có tốc độ sinh trưởng nhanh, sống lâu năm, ưa sáng, ưa ẩm nhưng chịu úng kém. Thường được nhân giống bằng phương pháp tách củ.
Ý nghĩa hoa thủy tiên
Trong phong thủy, hoa thủy tiên đại diện cho may mắn, tài lộc. Theo đó, người trồng hoa thủy tiên trong nhà có thể xua đuổi vận xui, mang đến nhiều may mắn, gặp thuận lợi trong cuộc sống và công việc.
Vào mỗi dịp năm mới, nhiều người thường trưng thủy tiên trong nhà để câu mong một năm mới nhiều thuận lợi.
Đây cũng là loài cây tượng trưng cho nỗi niềm của người xa quê, luôn hướng về quê hương, đất nước.

Công dụng của cây hoa thủy tiên
Như đã thông tin ở trên, hoa thủy tiên là một trong những lựa chọn hàng đầu để trang trí không gian nhà cửa vào mỗi dịp xuân về.
Người chơi cây cảnh thường cắt gọt củ cây thủy tiên thành dáng đẹp mắt, sau đó trồng trong chậu thủy tinh để cây ra rễ độc đáo, thoải mái tạo dáng theo ý muốn, làm cây để bàn.

Bạn có thể đặt chậu cây hoa thủy tiên ở nhiều vị trí khác nhau như bàn học, bàn làm việc, tiếp khách, bệ cửa sổ, ban công…
Nhiều nhà hàng, khách sạn, quán cà phê cũng chọn những chậu thủy tiên xinh xắn để trang trí thêm không gian cho khách.
Nếu không có thời gian hoặc không có kinh nghiệm tạo dáng củ, bạn đơn giản chỉ cần trồng cây trong chậu đất, trồng thành bụi ở hiên nhà, vỉa hè, bồn hoa hay sân vườn là được.
Cây hoa thủy tiên có độc không?
Dù là loài ý nghĩa và có vẻ đẹp quyến rũ, nhưng cây hoa thủy tiên lại có chứa chất alkaloids khá độc. Nếu không may ăn phải có thể dẫn tới chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy hoặc co giật.
Rễ thủy tiên cũng có chứa narcissin, đây là chất có thể gây giãn đồng tử, khô nước bọt, tim đập nhanh hoặc tiết nước bọt, tháo mồ hôi, buồn nôn, tiêu chảy… tùy vào việc ăn phải trước hay sau khi cây nở hoa.
Do đó, bạn nên cẩn thân, có biện pháp bảo vệ trong trường hợp gia đình có trẻ nhỏ hay đang nuôi vật nuôi.
Cách trồng và chăm sóc cây hoa thủy tiên
Cây hoa thủy tiên có sức sống khá mãnh liệt, nên quá trình trồng và chăm sóc khá đơn giản. Dưới đây là một vài lưu ý cho bạn.
Chuẩn bị đất trồng
Đất trồng hoa thủy tiên không cần quá màu mỡ, tuy nhiên phải đảm bảo được độ tơi xốp và khả năng thoát nước.
Tốt nhất bạn nên trông thêm ít xơ dừa, phân chuồng. Bầu cây hay chậu trồng thì phải có lỗ thoát nước đầy đủ.
Nhân giống và trồng
Vì cây hoa thủy tiên phát bụi nhanh nên quá trình nhân giống không mấy khó khăn. Khi bụi cây đã lớn, bạn tìm một thân mới, đã cao khoảng 7 – 10cm, sau đó nhẹ nhàng tách cả phần củ ra khỏi bụi.
Rửa sạch sau đó trồng vào chậu đất mới, tưới đẫm nước và tiếp tục chăm sóc là cây sẽ phát triển.
Nếu trồng cây thủy sinh thì chuẩn bị chậu phù hợp với kích thước cây, rải sỏi phía dưới đáy và gác que để neo giữ khi cây còn nhỏ.

Chăm sóc
Quá trình chăm sóc cây hoa thủy tiên cũng vô cùng đơn giản, hầu như bạn không cần phải làm gì nhiều.
Tưới nước: là loài ưa ẩm và ưa nước, bạn nên duy trì tưới nước cho hoa thủy tiên 2 – 3 lần mỗi tuần. Khi cây còn nhỏ thì nên tưới mỗi ngày. Nhớ không tưới quá nhiều có thể khiến cây bị úng rễ nhé. Nếu trồng thủy canh thì không cần tưới thêm, thay vào đó hãy thay nước khoảng 10 ngày 1 lần.
Ánh sáng: là loài cây ưa sáng, bạn cần trồng hoặc đặt chậu hoa thủy tiên ở nơi nhiều ánh sáng. Nếu trong nhà không có nhiều ánh sáng, hãy mang chậu cây ra ngoài trời cho cây quang hợp 1 – 2 lần mỗi tuần.

Dinh dưỡng: khoảng 3 – 4 tháng một lần bạn bón cho cây một ít phân NPK là đủ cho cây phát triển. Nếu trồng thủy sinh thì thay bằng dung dịch thủy canh. Vào thời điểm cây sắp nở hoa, bạn có thể bón nhiều hơn một chút.
Phòng trừ sâu bệnh: trong thời gian chăm sóc, bạn nên thường xuyên quan sát, lau sạch lá, nếu phát hiện thấy sâu rầy, nấm thì cần lau chùi ngay. Tình trạng nặng thì có thể mua thuốc về phun.
Trên đây là những thông tin cơ bản về đặc điểm, đặc tính sống và ý nghĩa của cây hoa thủy tiên. Hy vọng bạn đã có đủ kinh nghiệm để tự mình chăm sóc loài cây tuyệt vời này, chúc bạn thành công.