Hoa cẩm chướng – ý nghĩa và cách chăm sóc giúp hoa khoe sắc

Hoa cẩm chướng có vẻ đẹp đặc trưng, màu sắc đa dạng, bởi vậy mà được nhiều người yêu thích và sử dụng với mục đích trang trí.

Không chỉ vậy, cẩm chướng còn được biết đến là loài hoa mang nhiều ý nghĩa.

Để hiểu rõ hơn, hãy cùng điểm qua những thông tin về cây hoa cẩm chướng trong bài viết dưới đây nhé.

Đặc điểm hoa cẩm chướng

Hoa cẩm chướng có tên khoa học là Dianthus caryophyllus, đây là một loài thực vật có hoa thuộc chi Cẩm chướng (Dianthus), họ Cẩm chướng (Caryophyllaceae). Hiện nay loài hoa này được lai tạo thành nhiều nhánh nhỏ khác nhau rất đa dạng.

Cẩm chướng có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, nhờ vẻ đẹp cuốn hút mà lan rộng ra nhiều nước. Một vài tên gọi khác của hoa được nhắc đến như hương thạch trúc, hoa tiễn nhung, hoa lạc dương, khang nãi hinh hay sư đầu thạch trúc

Hoa cẩm chướng
Hoa cẩm chướng

Về đặc điểm, cây cẩm chướng là loài thân thảo, mọc bụi với chiều cao từ 50 – 100cm. Thân cây có màu xanh nhạt, vươn thẳng, chia nhiều cành nhánh. Khắp thân được bao phủ một lớp phấn trắng để giữ nước cho cây.

Dọc thân và nhánh là các đốt, dễ gãy, lá và nhánh sẽ mọc ra từ các đốt này. Phía dưới là bộ rễ chùm phát triển mạnh, có thể dài tới 20cm.

Lá cây có dạng kép mọc đối, màu xanh thẫm, dài như mũi mác, mép và bề mặt nhẵn, có phủ một lớp phấn trắng giống như thân.

Hoa cẩm chướng có thể nở đơn lẻ hoặc thành chùm 2 – 3 bông. Đài hoa có hình ống gồm 5 cánh, mỗi bông lại là sự kết hợp của nhiều cánh hoa hình quạt xếp chồng lên nhau. Mặt trong của cánh hoa nhăn nheo, mép có các rãnh như răng cưa nhỏ.

Màu sắc của hoa cẩm chướng vô cùng đa dạng, là sự kết hợp của các màu trắng, đỏ, hồng, tím, vàng, da cam… tuỳ loài và cách lai tạo.

Hoa cẩm chướng rất đa dạng về kiểu dáng và màu sắc
Hoa cẩm chướng rất đa dạng về kiểu dáng và màu sắc

Sau khi hoa tàn, hoa cẩm chướng ra quả, bên trong quả là rất nhiều hạt nhỏ có thể dùng để nhân giống.

Về đặc tính sống, hoa cẩm chướng sinh trưởng nhanh, ưa sáng, ưa ẩm nhưng vẫn sống tốt trong môi trường khô, chịu nóng và nắng gắt kém.

Ý nghĩa của hoa cẩm chướng

Hoa cẩm chướng đại diện cho tình yêu, nhưng không chỉ là tình yêu đôi lứa. Với mỗi màu sắc, hoa lại tượng trưng cho một tình cảm khác nhau như tình nghĩa vợ chồng, tình bạn, tình thân gia đình, tình cha mẹ…

  • Hoa cẩm chướng đỏ tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, thứ tình cảm sâu đậm khó phai.
  • Hoa cẩm chướng trắng lại là biểu tượng cho tình yêu trong sáng, ngây thơ, không hề vụ lợi.
  • Hoa cẩm chướng hồng lại tượng trưng cho tình cảm dành cho mẹ, thường được tặng trong ngày của mẹ.
  • Hoa cẩm chướng vàng lại buồn hơn, mang trong mình ý nghĩa của sự thất vọng, hay dùng để thay lời từ chối tình cảm.
  • Hoa cẩm chướng tìm tượng trưng cho sự băn khoăn, khó đoán.
  • Hoa cẩm chướng sọc có ý nghĩa tương tự như cẩm chướng vàng, đó là sự từ chối tình cảm.
Mỗi màu sắc của hoa lại mang một ý nghĩa khác nhau
Mỗi màu sắc của hoa lại mang một ý nghĩa khác nhau

Bạn hãy nhớ rõ những ý nghĩa của hoa cẩm chướng, để khi tặng quà không bị sai lệch với mục đích nhé.

Công dụng của hoa cẩm chướng

Với vẻ đẹp độc đáo và mang nhiều ý nghĩa, hoa cẩm chướng mang tới nhiều công dụng, chủ yếu là trong lĩnh vực trang trí.

Tại các khu vực công cộng như công viên, khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng, trường học, bệnh viện, hoa cẩm chướng thường được trồng trong bồn, thành khóm để trang trí không gian chung.

Nếu ở nhà riêng, bạn có thể trồng hoa cẩm chướng làm cây sân vườn, trang trí tiểu cảnh hoặc trồng trong chậu trưng ở ban công, phòng khách, hiên nhà. Các chậu nhỏ hơn có thể làm cây để bàn đặt ở bàn tiếp khách, bàn học hay bàn làm việc.

Khi hoa nở nhiều, bạn có thể cắt hoa cắm trong lọ, hoặc kết bó để trang trí ở bàn tiếp khách, quầy lễ tân…

Trong các dịp đặc biệt như ngày của mẹ, lễ tình nhân, lễ cưới hay lễ tốt nghiệp… hoa cẩm chướng cũng được xem như một loại quà tặng, thay cho những lời chúc ý nghĩa.

Khóm hoa cẩm chướng khoe sắc
Khóm hoa cẩm chướng khoe sắc

Ngoài ra, theo nhiều ghi chép Đông Y, cây cẩm chướng còn được biết đến là một loại dược liệu tốt, có thể dùng lợi tiểu, thông lâm, hoạt huyết, thông kinh, chữa đái buốt, đái dắt, đái ra máu, đái ra sỏi, tiểu tiện không thông, bế kinh, phù thũng, trừ giun, lá dùng chữa tắc ruột, không dùng cho phụ nữ có thai.

Lưu ý quan trọng: để sử dụng cây cẩm chướng như một loại thuốc, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia trước.

Cách trồng và chăm sóc hoa cẩm chướng

Cây hoa cẩm chướng có khả năng thích nghi khá tốt, nên quá trình trồng và chăm sóc không có gì quá phức tạp. Bạn có thể tham khảo những kinh nghiệm dưới đây.

Đất trồng

Đất trồng hoa cẩm chướng không cần quá  cầu kỳ, bạn có thể chọn đất tại chỗ, sau đó pha thêm ít phân hữu cơ, phân chuồng, xơ dừa, mùn trấu. Chỉ cần như vậy là đã đáp ứng đủ các yêu cầu về dinh dưỡng, độ tơi xốp rồi.

Bầu ươm, chậu trồng cần có lỗ thoát nước bên dưới để tránh ngập úng, khiến hoa chết.

Nhân giống và trồng

Cẩm chướng thường được nhân giống bằng hạt, nên gieo vào giai đoạn thoài tiết mát mẻ.

Bạn nên gieo hạt lên khay nhỏ để tiện chăm sóc và tách cây khi lớn. Đầu tiên bạn chỉ cần rải hạt trực tiếp lên khay đã chuẩn bị sẵn đất, sau đó lấp lên một lớp đất hoặc xơ dừa mỏng.

Đều đặt tưới nước phun sương ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều tối, không tưới quá nhiều tránh ngập úng. Sau khoảng 10 ngày là hạt sẽ nảy mầm.

Bạn tiếp tục chăm sóc tới khi cây đạt chiều cao 10 – 15cm thì có thể tách trồng ra đất hoặc chậu riêng lớn hơn. Khi mới trồng thì nên dùng 1 que thẳng để neo giữ, tránh cây bị gãy đổ.

Cây đủ kích thước có thể tách ra chậu riêng
Cây đủ kích thước có thể tách ra chậu riêng

Tưới nước

Vào 10 ngày đầu sau khi trồng cây, bạn duy trì lượng nước tưới 2 lần 1 ngày như cũ. Sau khi cây đã lớn hơn thì giãn cách số lần tưới cây ra.

Vào mùa mưa thì tưới 1 – 2 lần mỗi tuần, còn mùa nắng thì 3 – 4 lần mỗi tuần. Nên tưới vào lúc sáng sớm, tưới đủ làm ẩm đất là dừng.

Ánh sáng

Yếu tố ánh sáng khá quan trọng đối với hoa cẩm chướng, bởi nếu không đủ ánh sáng thì cây sinh trưởng yếu, hoa không đẹp, nhưng nắng quá gắt thì khiến cây chết khô.

Bởi vậy, bạn nên trồng cây ở nơi thoáng mát, có ánh sáng gián tiếp hoặc trực tiếp, sau đó thiết kế thêm giàn lưới, khi nào có nắng gắt thì dùng lưới che bớt.

Nếu trồng trong chậu đặt trong nhà thì mỗi tuần nên đưa châu ra ngoài trời, phơi nắng sớm khoảng 2 tiếng để kích thích cây quang hợp.

Dinh dưỡng

Định kỳ khoảng 2 tháng 1 lần, bạn hoà phân NPK với nước rồi tưới cho cây, như vậy là đủ để cây sinh trưởng tốt.

Vào giai đoạn sắp ra hoa thì bạn có thể bón thúc thêm một đợt nữa để hoa nở nhiều và đẹp hơn.

Bón thúc để hoa nở nhiều và đẹp
Bón thúc để hoa nở nhiều và đẹp

Phòng trừ sâu bệnh

Hoa cẩm chướng thường gặp phải tình trạng héo rũ hoặc bệnh rỉ. Đối với bệnh rỉ thì bạn có thể ra đại lý thuốc bảo vệ thực vật và nhờ tư vấn, mua thuốc về trị. Còn nếu cây bị héo rũ thì tưới thêm nước, bón thêm phân, nếu tình trạng không cải thiện thì chỉ có cách cải tạo lại đất rồi trồng lại từ đầu.

Trên đây là những thông tin cơ bản về cây hoa cẩm chướng. Một loài hoa không chỉ đẹp mà còn nhiều ý nghĩa, bạn hãy tham khảo và trồng để tô điểm thêm cho không gian vườn nhà nhé.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *