Các loại hoa cúc, đặc điểm và ý nghĩa riêng của chúng

Hoa cúc chắc không còn xa lạ gì đối với chúng ta, nó xuất hiện ở khắp nơi và mang tới nhiều công dụng hữu ích trong cuộc sống.

Không chỉ vậy, hoa cúc còn khá đa dạng về chủng loại, hình dáng và màu sắc.

Cùng tìm hiểu các loại hoa cúc phổ biến hiện nay và ý nghĩa của chúng nhé.

Tổng quan về hoa cúc

Hoa cúc có tên khoa học là Chrysanthemum, là tên một chi thực vật có hoa thuộc họ Cúc (Asteraceae). Trước đây chi này khá đa dạng, nhưng hiện nay đã được rút gọn lại còn khoảng hơn 40 loài.

Chi cúc có nguồn gốc chủ yếu ở khu vực đông bắc châu Âu và Đông Á, chủ yếu là Trung Quốc, sau đó được nhân giống, lai tạo ra nhiều khu vực khác.

Hoa cúc
Hoa cúc

Về đặc điểm, hoa cúc đa số là loài thân thảo, phân làm nhiều cành nhánh, mọc thành bụi với chiều cao từ 30 – 80cm. Thân khá giòn và dễ dãy, có nhiều đốt, chiều cao và độ mập mạp của thân phụ thuộc nhiều vào giống.

Rễ cây thuộc loại rễ chùm, mọc ngang chứ không đâm sâu.

Lá cúc là lá đơn có xẻ 3 – 5 thuỳ. Lá có màu xanh thẫm, bề mặt nhẵn với các đường gân dạng lưới, mặt dưới lá thường có lông tơ, mép lá có răng cưa nông. Kích thước lá phụ thuộc vào từng loài.

Hoa cúc cũng có hình dáng và kích thước rất đa dạng, thường gồm nhiều cánh hoa mỏng toả tròn, ở giữa là phần nhuỵ ngắn. Hoa cúc đơn chỉ có một lớp cánh hoa duy nhất, trong khi đó hoa cúc kép thì có nhiều lớp cánh hao xếp chồng lên nhau, dày và rực rỡ hơn.

Vì có nhiều loài đa dạng mà màu sắc của hoa cúc cũng rất phong phú, có thể kể đến như màu vàng, trắng, tím, đỏ, hồng hay thậm chí là nhiều màu kết hợp trên một bông.

Hoa cúc đa dạng về chủng loại, màu sắc
Hoa cúc đa dạng về chủng loại, màu sắc

Sau khi hoa tàn, cây cho ra quả nhỏ, bên trong chỉ có 1 hạt, trên quả có lông tơ để phát tán theo gió.

Về đặc tính sống, hoa cúc là loài cây ngắn ngày, sinh trưởng nhanh. Cây ưa sáng vào ban ngày, mát mẻ vào ban đêm, ưa ẩm, chịu hạn tốt, chịu úng kém, phù hợp với nhiều loại đất, không cần nhiều dinh dưỡng.

Các loại hoa cúc phổ biến nhất hiện nay

Như bạn đã biết, hoa cúc có rất nhiều loài khác nhau, đẹp và phổ biến nhất là những loài sau đây.

Hoa cúc họa mi

Cúc hoạ mi là loài mọc dại nhưng dần được yêu thích rồi trồng làm cảnh. Hoa cúc hoạ mi có kích thước nhỏ, màu trắng tinh khôi, ở giữa là chụm nhuỵ màu vàng nổi bật. Loài này thường được trồng thành thảm rộng hay cắt cành tạo thành bó trang trí trong các bữa tiệc, gặp gỡ.

Hoa cúc họa mi
Hoa cúc họa mi

Hoa cúc mâm xôi

Cúc mâm xôi còn gọi là cúc đại đoá, nổi bật với các bông hoa kép với kích thước lớn, các lớp hoa dày xếp lên nhau tạo thành hình cầu rất đẹp mắt. Màu sắc của cúc mâm xôi cũng đa dạng với vàng, tím, trắng đỏ, trong đó màu vàng được yêu thích và trồng nhiều hơn cả.

Hoa cúc mâm xôi
Hoa cúc mâm xôi

Hoa cúc đồng tiền

Hoa cúc đồng tiền cũng là một trong những loại cúc được ưa chuộng tại Việt Nam, giống như tên gọi, loài hoa này tượng trưng cho may mắn, tài lộc nên thường được chưng vào dịp năm mới để cầu mong một năm mới nhiều thuận lợi.

Hoa cúc đồng tiền
Hoa cúc đồng tiền

Hoa cúc vạn thọ

Cúc vạn thọ là một trong những loài được trồng nhiều nhất tại Việt Nam. Loài này có kích thước hoa cũng rất to, không những vậy những cánh hoa cũng dày và uốn lượn đẹp hơn.

Cũng vì lý do đó mà hoa được nhiều người chọn để chưng Tết. Nhiều người còn sử dụng cúc vạn thọ như một loại thuốc quý, có tác dụng thanh lọc cơ thể.

Hoa cúc vạn thọ
Hoa cúc vạn thọ

Hoa cúc thạch thảo

Cúc thạch thảo hay còn gọi là cúc cánh mối, là một loài hoa cúc mang vẻ đẹp dịu dàng. Bông hoa nhỏ với các cánh thuôn dài, mỏng như cánh mối.

Hoa có 2 màu phổ biến nhất là màu tím và trắng, thường được trồng thành thảm, trang trí cảnh quan các khu vực công cộng.

Hoa cúc thạch thảo
Hoa cúc thạch thảo

Hoa cúc thược dược

Hoa thược dược cũng là một loài trong họ Cúc, loài này nổi bật với các bông hoa to và các cánh hoa xếp đều một cách gọn gàng. Không chỉ vậy màu sắc của thược dược cũng vô cùng đa dạng và nổi bật, mang lại giá trị thẩm mỹ cao.

Hoa cúc thược dược
Hoa cúc thược dược

Hoa cúc bất tử

Cúc bất tử có hình dáng nhỏ nhắn nhưng không hề nhạt nhoà, các cánh hoa dài với màu đậm dần từ ngoài vào trong mang đến cho hoa một vẻ ngoài bắt mắt. Không chỉ vậy, hoa rất lâu tàn và giữ nguyên vẻ đẹp ngay cả khi sắp rụng, bởi vậy mới có cái tên cúc bất tử.

Hoa cúc bất tử
Hoa cúc bất tử

Hoa cúc nhiều màu

Cúc nhiều màu hay cúc ngũ sắc, có tên tiếng anh là Zinnia. Giống như tên gọi, cúc nhiều màu là một loài được lai tạo để tạo ra nhiều màu hoa trên cùng một cây, từ đó mang lại vẻ đẹp độc đáo, cuốn hút hơn.

Với vẻ ngoài nổi bật, không khó hiểu khi loài hoa này được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực trang trí.

Hoa cúc nhiều màu
Hoa cúc nhiều màu

Ý nghĩa của hoa cúc

Trong cuộc sống hàng ngày, hoa cúc đại diện cho những ý nghĩa xưa cũ, là biểu hiện của tấm lòng hiếu thảo, một lòng hướng về tổ tiên. Ngoài ra, loài hoa này còn tượng trưng cho sự trường thọ, bởi vậy mà người ta thường trang trí hoa cúc ở ban thờ hay lúc viếng mộ.

Hoa cúc đại diện cho tấm lòng hiếu thảo
Hoa cúc đại diện cho tấm lòng hiếu thảo

Tại mỗi quốc gia, hoa cúc cũng mang trong một ý nghĩa riêng. Ví dụ như ở Trung Quốc, hoa cúc tượng trưng cho sự trường tồn với thời gian, trong khi đó ở Nhật Bản thì hoa cúc đại diện cho tầng lớp cao quý, có địa vị, ở phương Tây thì hoa cúc lại tượng trưng cho sự khởi đầu, thường được tặng vào những dịp khai trương.

Không chỉ vậy, với sự đa dạng về màu sắc, mỗi màu hoa cúc cũng mang trong mình những ý nghĩa mà có thể bạn chưa biết.

  • Cúc vàng: tượng trưng cho lòng biết ơn và thể hiện nghị lực vươn lên, ý chí mạnh mẽ không ngại khó khăn gian nan.
  • Cúc trắng: tượng trưng cho lòng hiếu thảo, sự thuần khiết, thanh cao, trong sáng của tâm hồn.
  • Cúc tím: tượng trưng cho sự chung thủy, gắn bó trong tình yêu.
  • Cúc xanh: tượng trưng cho tuổi trẻ, niềm hy vọng, sự bình yên và hạnh phúc.
  • Cúc đỏ: tượng trưng cho sự gắn bó, đoàn kết và là đại diện cho tình bạn đẹp đẽ, chân thành không vụ lợi.

Công dụng của hoa cúc trong đời sống

Với sự đa dạng về loài và hình dáng, màu sắc, hoa cúc được trồng rất phổ biến để phục vụ cho nhu cầu trang trí.

Những nơi công cộng như công viên, khu du lịch, khu đô thị, vỉa hè, trường học, bệnh viện, hoa thường được trồng thành thảm, thành vườn, trong bồn như một cây công trình để trang trí không gian.

Tại nhà riêng, bạn có thể trồng hoa trong sân vườn, dọc tường rào, trong luống hay bồn hoa, trang trí tiểu cành. Trong trong chậu đặt trong phòng khách, ban công, hiên nhà.

Mỗi khi hoa nở, bạn có thể cắt hoa cắm trong lọ, đặt ở bàn học, bàn làm việc, kệ tivi, cửa sổ, ban thờ… Hoa còn được kết bó để làm quà tặng, làm bó hoa cô dâu hay trang trí vào các dịp lễ đặc biệt.

Là loài hoa quen thuộc để trang trí
Là loài hoa quen thuộc để trang trí

Theo nhiều nghiên cứu, lá hoa cúc có khả năng hấp thu khí độc, bụi bẩn rất hiệu quả, giúp không gian sống trong lành hơn.

Tại châu Á, nhiều quốc gia xem hoa cúc như một loại trà tốt cho sức khoẻ. Người ta uống trà hoa cúc để trị mất ngủ, điều hoà huyết áp, tim mạch, giải độc cơ thể, giải cảm, chống oxy hoá, làm đẹp da, và nhiều tác dụng tốt khác cho cơ thể.

Trà hoa cúc rất tốt cho sức khoẻ
Trà hoa cúc rất tốt cho sức khoẻ

Hoa cúc còn là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, có thể dùng để nấu canh, luộc hay hấp, ăn sống, nhúng lẩu, tuỳ vào văn hoá và ẩm thực từng nước.

Cách nhân giống và trồng hoa cúc

Hiện nay, người ta thường chọn phương pháp giâm cành để nhân giống hoa cúc, bởi khả năng sinh trưởng tốt và ra hoa nhanh hơn.

Chuẩn bị đất trồng

Dù là trồng ở vườn hay trong chậu thì đất trồng cũng cần đảm bảo những yếu tố cơ bản như độ tơi xốp, dinh dưỡng và khả năng thoát nước.

Trước khi nhân giống bạn cần dùng vôi để khử khuẩn cho đất trước 1 tuần. Trộn đất với xơ dừa, phân chuồng hoại mục, mùn trấu để tăng dinh dưỡng.

Chậu hay khay giâm cành cần có lỗ thoát nước ở phía dưới.

Nhân giống hoa cúc

Cành để giâm thường là cành bánh tẻ, to khoẻ mập mạp, không sâu bệnh. Dùng dao sắc cắt thành đoạn dài khoảng 7 – 10cm, có 2 – 3 lá.

Bạn cắt bớt diện tích lá trên cành giâm để tránh thoát nước, sau đó nhúng cành vào dung dịch kích rễ và cắm vào phần đất đã chuẩn bị từ trước.

Nên giâm vào những ngày mát mẻ, giâm vào chiều tối. Sau khi giâm cành xong thì tưới đẫm nước, che chắn cẩn thận để tránh gió và ánh nắng gắt, duy trì độ ẩm cho đất hàng ngày.

Sau khoảng 1 tuần, cành sẽ bén rễ và bắt đầu sinh trưởng, bạn bỏ bớt giàn che dần dần cho tới khi cây đủ khoẻ mạnh để chịu được ánh nắng gắt.

Khi hoa cao khoảng 20cm thì có thể tách cây để trồng ra đất riêng hoặc trồng vào chậu và tiếp tục chăm sóc.

Nhân giống hoa cúc
Nhân giống hoa cúc

Cách chăm sóc cây hoa cúc

Hoa cúc có khả năng sinh trưởng nhanh và ngắn ngày nên bạn không phải quá cầu kỳ trong quá trình chăm sóc, chỉ cần chú ý một vài yếu tố dưới đây.

Tưới nước

Có tốc độ sinh trưởng nhanh nên nhu cầu nước tưới của hoa cúc cũng tương đối cao. Để hoa phát triển tốt thì tần suất tốt nhất là tưới hàng ngày, nếu trời nắng gắt thì ngày có thể tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều muộn.

Ngược lại, nếu trời mưa thì bạn không cần phải tưới nước.

Cần chú ý lượng nước mỗi lần tưới, không tưới quá đẫm khiến nước thoát không kịp, gây úng rễ và cây sẽ chết.

Ánh sáng

Vì là cây ngắn ngày nên nhu cầu ánh sáng của hoa cúc cũng rất rõ ràng, cần nhiều ánh sáng vào ban ngày và bóng tối vào ban đêm.

Do đó bạn nên trồng hoa ở nơi rộng rãi, thoáng mát, nhưng tránh các vị trí có ánh sáng nhân tạo vào ban đêm như đèn đường, như vậy thì hoa mới có thể ra hoa nhiều và đẹp.

Chăm sóc để hoa sinh trưởng tốt
Chăm sóc để hoa sinh trưởng tốt

Dinh dưỡng

Mỗi năm nên bón phân cho hoa cúc khoảng 4 lần là đủ, phân bón nên là loại phân tổng hợp như NPK, như vậy dinh dưỡng sẽ đều hơn.

Nếu trồng hoa trong chậu thì khi kích thước bụi hoa lớn phải thay chậu phù hợp ngay, vừa để hoa có không gian phát triển, vừa làm mới môi trường sống.

Phòng trừ sâu bệnh

Thường xuyên dọn dẹp cỏ dại và làm thoáng gốc cây, quan sát để loại bỏ các loại sâu ăn lá, rệp, bọ. Ngoài ra, nếu thấy cây gặp các tình trạng bện như nấm, thối rễ, héo khô, mốc xám, rỉ sắt thì ra đại lý mua thuốc về phun để trị tận gốc.

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong những thông tin cơ bản về các loài hoa cúc cũng như ý nghĩa, cách chăm sóc sao cho hiệu quả.

Hy vọng qua đây bạn sẽ tự tay chăm sóc những chậu hoa cúc đẹp cho riêng mình.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *