Hoa dã quỳ toả sắc vàng rực rỡ, lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa nên được nhiều người yêu thích và trồng làm cây cảnh.
Ngoài ra, cây hoa này còn được tận dụng như một loại dược liệu để trị bệnh.
Để hiểu rõ hơn, hãy cùng tìm hiểu những thông tin về hoa dã quỳ qua bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan về hoa dã quỳ
Dã quỳ có tên khoa học là Tithonia diversifolia, là một loài thực vật có hoa thuộc họ Cúc (Asteraceae), một họ rất phổ biến với nhiều loài như hoa hướng dương, hoa cúc, hoa xuyến chi…
Là loài hoa khá phổ biến, dã quỳ hiện được trồng khắp các châu lục như châu Mỹ, châu Á, châu Phi. Tại Việt Nam, cây được gọi với nhiều cái tên khác nhau như cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại, hướng dương dại, hướng dương Mexico, cúc Nitobe…

Về đặc điểm, hoa dã quỳ là loài thân thảo có màu xanh, khi lớn có thể hoa gỗ và chuyển màu xám. Chiều cao của cây từ 60cm – 2m tuỳ điều kiện sống. Cây chia làm nhiều cành nhánh, tạo vẻ um tùm.
Lá dã quỳ cũng có màu xanh thẫm, hình bầu dục hoặc hình tim, được xẻ thành 3 – 5 thuỳ, bề mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông nhỏ, mép có răng cưa nông.
Hoa dã quỳ mọc đơn hoặc chùm vài bông, tập trung ở đầu cành, có kích thước khác to, đường kính hơn 10cm, mỗi bông hoa gồm nhiều cánh mỏng, khi nở xoe tròn với nhuỵ hoa ngắn ở chính giữa. Màu sắc hoa có thể là vàng, trắng hay đỏ, nhưng chủ yếu vẫn là màu vàng.
Nhìn chung, hình dáng lá và hoa dã quỳ khá tương đồng với hoa cúc hay hoa hướng dương.

Thời gian hoa nở thường từ tháng 11 đến tháng 12, mỗi lần nở kéo dài khoảng 2 – 3 tuần sau đó sẽ cho hạt.
Về đặc tính, hoa dã quỳ sinh trưởng khá nhanh, cây ưa ẩm, ưa sáng, phù hợp với nhiều loại đất, ít bị sâu bệnh. Khả năng chịu úng của cây kém nên cần chú ý lượng nước. Nhân giống bằng hạt.
Ý nghĩa của hoa dã quỳ
Mang vẻ đẹp rực rỡ, hoa dã quỳ còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa rất đặc biệt.
Đầu tiên, nhờ khả năng thích nghi tốt, sinh trưởng mạnh mẽ trong nhiều môi trường khắc nghiệt, hoa dã quỳ là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, sự can đảm, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn.
Trong tình yêu, hoa dã quỳ là biểu tượng cho sự mong nhớ, nói lên tấm lòng chung thuỷ, luôn hướng tới người mình yêu.
Ngoài ra, hoa dã quỳ còn thường được dùng làm quà tặng, như một lời khen ngợi, thán phục gửi tới người được nhận.

Những công dụng của cây hoa dã quỳ
Công dụng đầu tiền phải kể đến chính là trồng cảnh, với đặc điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, sinh trưởng nhanh, hoa dã quỳ được ưa chuộng để trồng làm cây cảnh công trình ở nhiều khu vực công cộng như công viên, khu du lịch nghỉ dưỡng, các vườn hoa, vỉa hè, trường học, bệnh viện, nhà hàng hay quán cà phê…
Tại nhà, bạn có thể trồng hoa dã quỳ trong luống hay bồn hoa trang trí sân vườn, trồng trong chậu đặt trong nhà, cửa sổ, ban công, sân thượng. Mỗi khi hoa nở, bạn còn có thể cắt cành hoa cắm trong lọ, trang trí kệ tivi, bàn ăn hay ban thờ đều rất đẹp.

Không chỉ vậy, tại nhiều quốc gia, hoa dã quỳ còn được sử dụng như một loại dược liệu.
Ở Nhật, người ta dùng cây này như một phương thuốc chống ngộ độc.
Tại Mexico, người dân thường sử dụng thân và lá dã quỳddeer chữa thấp khợp, giảm đau, giảm sưng, tan máu bầm.
Còn ở Trung Quốc, người ta phơi khô dã quỳ, sau đó dùng chữa vàng da, làm thuốc lợi gan, lợi tiểu.
Ngoài các công dụng trên, ở Việt Nam người ta còn dùng hoa dã quỳ phơi khô rồi pha trà đề giúp an thần, dễ ngủ.
Tuy vậy, sử dụng hoa dã quỳ không đúng cách có thể gây dị ứng, do đó bạn phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ hay chuyên gia.
Cách trồng cây dã quỳ
Cây dã quỳ có khả năng thích nghi tốt, do đó quá trình nhân giống và trồng khá đơn giản. Thời điểm nhân giống tốt nhất là vào đầu hè hoặc cuối đông.
Đầu tiên cần chuẩn bị đất trồng, không cần quá màu mỡ nhưng phải đảm bảo được độ tơi xốp và khả năng thoát nước. Bạn có thể lấy đất tại chỗ, sau đó pha thêm xơ dừa, mùn trấu và ít phân chuồng hoại mục là được.
Khay ươm hay chậu trồng cần có lỗ phía dưới để thoát nước, tránh tình trạng úng rễ.
Dã quỳ thường nhân giống bằng hạt, do đó bạn cần chuẩn bị hạt giống chắc khoẻ, không nấm bệnh. Sau khi chuẩn bị xong, bạn ngâm hạt giống trong nước ấm khoảng 5 tiếng rồi gieo trực tiếp lên khay đất.
Phủ lên trên một lớp đất mỏng, tưới phun sương để duy trì độ ẩm cho đất, đặt khay ở nơi thoáng mát, có ánh sáng nhẹ, sau khoảng 10 ngày là hạt sẽ nảy mầm. Bạn tiếp tục chăm sóc tới khi cây cao hơn 20cm thì có thê tách trồng vào chậu hay vào luống đất.
- Trồng ra đất: nếu trồng ra đất thì bạn cần làm luống, sau đó đào hố trồng. Đặt cây con vào hố, lấp đất lại và nén hơi chặt. Cuối cùng là tưới nước cho ẩm đất, phủ lên ít mùn rơm để tránh thoát nước là xong.
- Trồng trong chậu: chuẩn bị chậu có lỗ thoát nước đầy đủ, lót một lớp sỏi bên dưới sau đó đổ đất vào 1/3 chậu. Đặt cây con vào chính giữa, lấp đất lại ngang miệng chậu, nén hơi chặt và tưới nước để giữ ẩm.

Cách chăm sóc hoa dã quỳ
Sau khi nhân giống và trồng hoa dã quỳ, bạn cũng cần chú ý một chút khi chăm sóc, như vậy sẽ giúp hoa sinh trưởng tốt và nở nhiều, to đẹp.
Tưới nước
Khi cây còn nhỏ, bạn dùng bình phun sương tưới cho cây hàng ngày vào sáng sớm, không tưới vào giữa trưa có thể gây cháy.
Khi cây đã lớn hơn thì mỗi tuần bạn có thể tưới 2 – 3 lần, như vậy là đủ với nhu cầu của cây. Ngoài ra, mỗi lần tưới cần chú ý lượng nước, không tưới quá đẫm gây ngập úng.
Ánh sáng
Tương tự các loài hoa cúc khác, dã quỳ cũng là loài ưa sáng, bởi vậy vị trí trồng cây phải đảm bảo thoáng mát, nhiều ánh sáng tự nhiên.
Nếu được, hãy duy trì nhiệt độ trồng cây ở mức 18 – 30 độ C, như vậy cây sẽ có tốc độ sinh trưởng nhanh nhất.

Dinh dưỡng
Nhu cầu dinh dưỡng của hoa dã quỳ khá ít, do đó bạn không cần phải bón phân quá thường xuyên. Khoảng 4 tháng 1 lần, bạn hoà phân NPK với nước rồi tưới vào gốc hoa là được.
Nếu trồng trong chậu thì bạn thậm chí không cần bón phân, thay vào đó mỗi năm thay đất 1 lần để làm mới môi trường sống.
Cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh
Dã quỳ ít khi bị sâu bệnh nên bạn không cần quá lo lắng về vấn đề này. Chỉ cần thường xuyên làm cỏ, vun luống, cắt tỉa cành lá khô héo là hoa sẽ sinh trưởng tốt.
Trên đây là những thông tin cơ bản về hoa dã quỳ, hãy trang bị kiến thức để có cho mình một chậu hoa đẹp nhé.