Hoa giấy – ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc cây hoa giấy

Cây hoa giấy mang trong mình vẻ đẹp đơn giản, nhưng không phải vì vậy mà loài hoa này mất đi những ý nghĩa tốt đẹp.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thông tin về cây hoa giấy cũng như cách trồng và chăm sóc hoa giấy thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây.

Đặc điểm và đặc tính cây hoa giấy

Hoa giấy có tên khoa học là Bougainvillea spectabilis, là một loài thực vật có hoa thuộc chi Bông giấy (Bougainvillea), họ Bông phấn (Nyctaginaceae).

Cây hoa giấy có nguồn gốc từ các nước Nam mỹ, sau được lai tạo và lan ra nhiều nước khác. Tại Việt Nam, cây còn được gọi với những tên khác như cây bông giấy hay móc diều

Hoa giấy
Hoa giấy

Hoa giấy là loài dây leo dạng gỗ, cây vươn dài, phát triển nhanh với nhiều cành nhánh um tùm, có gai móc để bám vào các loại cây khác hay giàn. Chiều cao cây từ 1 – 12m tùy vào giàn leo.

Lá cây có màu xanh thẫm, mọc so le, hình trái xoan hơi nhọn ở đầu, bề mặt lá nhẵn với các đường gân mờ, chiều dài lá khoảng từ 5 – 10cm trong khi chiều rộng từ 3 – 6cm.

Nếu trong điều kiện mát mẻ, có mưa, cây sẽ có lá xanh tưới quanh năm, nhưng nếu thời tiết nắng nóng và khô thì cây sẽ rụng lá nhiều hơn.

Hoa giấy thường nở thành chùm ở đầu cành. Hoa có dạng hình ống, kích thước khá nhỏ, màu trắng hoặc vàng nhạt.

Bao quanh hoa là 3 – 6 lá bắc mỏng, mềm, màu sắc đa dạng như hồng, tím, tía, đỏ, cam, trắng hay vàng… nhiều người thường lầm tưởng những lá bắc này là hoa nhưng thực tế không phải.

Hoa giấy nhỏ, có nhiều lá bắc đầy màu sắc xung quanh
Hoa giấy nhỏ, có nhiều lá bắc đầy màu sắc xung quanh

Quả của cây hoa giấy là dạng quả bế tròn và có màu nâu, tuy nhiên khá hiếm thấy.

Về đặc tính, cây hoa giấy sinh trưởng nhanh, ưa sáng, chịu hạn tốt, chịu úng kém, nhu cầu dinh dưỡng trung bình, thường được nhân giống bằng giâm cành.

Ý nghĩa của cây hoa giấy

Là loài hoa có hình dáng sum suê, dễ uốn nắn nên trong phong thủy, hoa giấy tượng trưng cho sự đủ đầy, trọn vẹn, mang tới sự ấm cúng, an toàn cho gia chủ.

Màu sắc tươi sáng của hoa giấy cũng được cho là mang tới nhiều tài lộc, may mắn, thuận lợi trong công việc và cuộc sống.

Trong tình yêu, hoa giấy tượng trưng cho thứ tình cảm bền lâu, giản dị mà chân thành.

Ngoài ra, mỗi màu sắc của cây hoa giấy đều mang theo bên mình một ý nghĩa nhất định:

  • Hoa giấy màu trắng: là biểu tượng cho sự tinh khiết, thanh thuần.
  • Hoa giấy màu đỏ: thể hiện tính cách cương quyết, mạnh mẽ, khát vọng vươn lên.
  • Hoa giấy màu hồng: biểu tượng cho vẻ đẹp nhẹ nhàng, nữ tính và chút trữ tình.
  • Hoa giấy màu tím: biểu tượng cho sự thủy chung và tạo nên một vẻ đẹp lãng mạn thu hút mọi ánh nhìn.
Hoa giấy mang trong mình nhiều ý nghĩa
Hoa giấy mang trong mình nhiều ý nghĩa

Công dụng của hoa giấy

Sinh trưởng nhanh, dễ uốn nắn theo giàn leo, lại có dáng vẻ sum suê, nở hoa quanh năm, thật dễ hiểu khi cây hoa giấy được trồng ở nhiều nơi để làm cảnh.

Bạn có thể trồng cây hoa giấy trong sân vườn, trang trí cảnh quan, tạo vòm cổng, hàng rào.

Ở nhiều khu vực công cộng, công trình, vỉa hè, công viên, bệnh viện, trường học… bạn cũng thường bắt gặp những bụi hoa giấy to và đẹp.

Hoa giấy đầy màu sắc tô điểm tường rào
Hoa giấy đầy màu sắc tô điểm tường rào

Với những nghệ nhân, hoa giấy bonsai là một trong những loại cây được yêu thích. Tuy nhiên để trồng hoa giấy bonsai thì bạn cần nhiều kinh nghiệm và khiếu thẩm mỹ.

Cách trồng và chăm sóc hoa giấy

Là loài hoa có khả năng thích nghi cực kỳ tốt, bạn có thể dễ dàng nhân giống, chăm sóc hoa giấy mà không gặp quá nhiều khó khăn, chỉ cần đảm bảo một số điều kiện.

Chuẩn bị giống và đất

Hoa giấy thường được nhân giống bằng cách giâm cành, để chuẩn bị cành giống khá đơn giản. Bạn chọn cành ra được 1 – 2 năm, chọn một đoạn khoảng 20cm, có ít nhất 2 mắt cây. Cắt xong thì ngâm cành vào dung dịch kích rễ vài tiếng rồi lấy ra.

Đất trồng bạn có thể chọn đất tại chỗ, sau đó trộn thêm ít phân chuồng hoại mục, xơ dừa, vậy là đủ để đảm bảo độ tơi xốp và dinh dưỡng rồi.

Cách trồng hoa giấy

Trồng hoa vào những hôm mát mẻ, thời điểm đầu thu là thích hợp nhất.

Sau khi nhúng cành giâm vào dung dịch kích rễ, bạn chỉ việc cắm cành vào đất, sâu khoảng 10cm, nghiêng 15 độ. Nếu trồng nhiều thì khoảng cách giữa các cành ít nhất 20cm để đủ không gian phát triển.

Cắm cọc để cố định cây tránh gãy đổ, che lưới nếu có nắng gắt, tưới nước mỗi ngày 1 lần để duy trì độ ẩm, chỉ sau khoảng 10 ngày là cành sẽ bén rễ và sinh tưởng thành cây mới.

Bạn có thể trồng hoa giấy ngoài trời hoặc trong chậu
Bạn có thể trồng hoa giấy ngoài trời hoặc trong chậu

Cách chăm sóc cây hoa giấy

Thực tế chỉ cần thời tiết không quá khắc nghiệt thì hoa giấy có thể sống tốt mà không cần chăm sóc. Tuy vậy để cây sinh trưởng tốt, dáng đẹp và nở nhiều hoa thì cũng cần chú ý một vài yếu tố.

  • Tưới nước: đều đặn mỗi ngày 1 lần vào sáng sớm hoặc chiều tối, bạn tưới nước để duy trì độ ẩm cho cây. Chú ý không tưới quá nhiều, nếu đất thoát nước kém có thể khiến ngập úng.
  • Ánh sáng: là loài ưa sáng, bạn nên trồng cây ở những nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng tự nhiên như sân vườn, nơi công cộng, ban công, hàng rào, cổng…
  • Dinh dưỡng: định kỳ 2 tháng, bạn bón phân bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây. Bạn có thể bón phân hữu cơ, phân NPK, sau khi bón thì tưới nước để phân tan vào đất, giúp cây hấp thu dễ hơn.
  • Cắt tỉa: là loài sinh trưởng nhanh và rậm rạp, bạn cần thường xuyên cắt tỉa, loại bỏ cành lá hư thối, cành mọc lệch để giúp cây mọc theo dáng mà mình mong muốn.
  • Sâu bệnh: hoa giấy ít khi bị sâu bệnh, trong quá trình cắt tỉa bạn quan sát nếu nhận thấy sâu rầy thì nhanh chóng loại bỏ là được. Nếu tình trạng nặng hơn thì ra đại lý để họ tư vấn thuốc bảo vệ thực vật phù hợp.

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong những thông tin cơ bản về cây hoa giấy rồi. Hy vọng qua đó bạn đã có đủ kinh nghiệm để tự tay trồng và chăm sóc 1 cây, tô điểm thêm không gian sống của mình.

Chúc bạn thành công.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *