Hoa hải đường không chỉ có cái tên đặc biệt, đây còn là loài cây mang vẻ đẹp rực rỡ, được nhiều người yêu thích, trồng làm cây cảnh.
Trông bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu những đặc điểm của hoa hải đường, từ đó có cách trồng và chăm sóc cây mang lại hiệu quả tốt nhất.
Đặc điểm hoa hải đường
Hoa hải đường còn có tên gọi khác là Hải đường Việt Nam, có tên khoa học là Camellia amplexicaulis. Đây là một loài thực vật hạt kín thuộc chi Trà (Camellia), cùng họ với hoa trà my, sơn trà.

Về đặc điểm, Hải đường là loài thân gỗ có kích thước trung bình, chiều cao chỉ từ 1 – 3m. Thân cây màu nâu xám, chia làm nhiều cành nhánh và lá tạo vẻ um tùm.
Lá cây mọc khắp cành, kích thước khá lớn, hình bầu dục nhọn dần về hai đầu, lá có màu xanh thẫm, bề mặt nhẵn với các đường gân nổi rõ, mép lá có răng cưa nhỏ.
Hoa hải đường thường nở tập trung ở đầu cành, mỗi cụm chỉ từ 1 – 3 bông. Hoa có dạng quả trứng úp nược với các cành hoa nhẵn mịn xếp chồng lên nhau nhưng không bung rộng mà chỉ hơi xoè ra.
Màu sắc của hoa hải đường khá đa dạng, ở Việt Nam các màu hoa phổ biến là màu đỏ, hồng, vàng hoặc trắng. Cây thường nở hoa vào đúng dịp Tết nguyên đán.

Về đặc tính, hoa hải đường sinh trưởng chậm, phù hợp với nhiều môi trường sống, phát triển tốt nhất trong điều kiện mát mẻ, đất tơi xốp thoát nước tốt. Cây ưa bóng bán phần, ưa ẩm, chịu úng kém, có thể nhân giống bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành.
Công dụng của hoa hải đường
Nhờ vẻ đẹp độc đáo, dáng vẻ um tùm, mỗi lần nở hoa lại khoe sắc thắm, hoa hải đường được ưa chuộng để trồng cảnh ở nhiều vị trí.
Bạn có thể trồng hoa hải đường ở những nơi công cộng như công viên, trường học, bệnh viện, khu đô thị, nghỉ dưỡng, khuôn viên công ty.
Hoa hải đường còn được trồng trang trí trong sân vườn, trang trí tiểu cảnh. Những cây nhỏ hơn có thể trồng trong chậu, trang trí phòng khách, giếng trời, ban công…
Nhờ thời gian nở hoa vào đúng dịp Tết, hoa hải đường được ưa chuộng trang trí trong nhà, cắt nhánh trưng bày trên bàn thờ gia tiên.

Không chỉ có tác dụng làm cảnh, cây hải đường còn được biết đến như một loại cây thuốc. Trong nhiều ghi chép Đông Y, hải đường có tính lương, vị chua đắng, có thể dùng để chữa các trường hợp xuất huyết, thổ huyết, ho ra máu, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, băng lâu đới hạ, lỵ.
Ý nghĩ của hoa hải đường
Ngoài vẻ đẹp, hoa hải đường còn được nhắc đến như một loài hoa ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Theo quan niệm dân gian, hoa hải đường là biểu tượng của mùa xuân, đại diện cho may mắn, giàu sang phú quý.
Người ta trưng bày cây hải đường vào dịp Tết với mong muốn một năm mới nhiều an khang, thịnh vượng.
Không chỉ vậy, mỗi màu của hoa hải đường cũng mang một ý nghĩa riêng biệt, trong đó:
- Hoa hải đường đỏ: tượng trưng cho may mắn, giàu sang, phú quý.
- Hoa hải đường vàng: tượng trưng cho sự trường tồn, bền bỉ với thời gian.
- Hoa hải đường trắng: tượng trưng cho sự cao quý, sang trọng, mang vẻ đẹp tinh khôi.

Cách trồng và chăm sóc hoa hải đường
Hoa hải đường có tốc độ sinh trưởng khá chậm, do đó bạn cũng cần một chút kinh nghiệm trong quá trình trồng và chăm sóc để cây phát triển tốt.
Đất trồng
Nếu trồng cây trong chậu, bạn nên chọn đất thịt, đất ruộng, sau đó trộn thêm trấu, rơm, xơ dừa, phân chuồng, như vậy là đủ để tăng dinh dưỡng, độ tơi xốp và khả năng thoát nước cho cây.
Nếu trồng trực tiếp ra đất thì bạn cũng cần cày xới đất, khử chua, phủ thêm rơm trấu, bón phân trước khi trồng cây.
Nhân giống
Phương pháp nhân giống phổ biến nhất là giâm cành, bởi cây dễ sống, sinh trưởng nhanh. Ngoài ra bạn có thể nhân giống bằng hạt, nhưng tỉ lệ sống sót sẽ thấp hơn, thời gian ra hoa cũng lâu.
Cây hải đường mẹ phải có tuổi trên 2 năm, chọn trên cây ra một cành bánh tẻ to khoẻ, không có dấu hiệu sâu bệnh. Sau đó bạn cắt một đoạn khoảng 14 – 18cm, tỉa bớt lá rồi nhúng cành vào dung dịch kích rễ.
Cắm cành vào phần đất đã chuẩn bị từ trước sao cho ngập sâu một nửa cành, tưới đẫm nước ở lần đầu tiên. Sau đó bạn che chắn cẩn thận, duy trì độ ẩm cho đất, chỉ sau khoảng 3 tuần là cành sẽ bén rễ và sinh trưởng như cây mới.

Tưới nước
Nhu cầu nước của hoa hải đường không cao, do đó bạn chỉ nên tưới nước mỗi khi nhận thấy mặt đất se khô. Vào mùa nắng thì có thể tưới 2 – 3 lần mỗi tuần, thời tiết mát mẻ thì có khi chỉ cần tưới mỗi lần một tuần là đủ.
Vào thời điểm cây sắp ra hoa bạn nên tưới nhiều một chút.
Dinh dưỡng
Khi cây còn nhỏ, bạn nên duy trì tần suất bón phân mỗi tháng 1 lần, khi cây đã lớn hơn, đạt chiều cao hơn 1m thì vài tháng mới cần bón phân một lần.
Phân bón bạn có thể chọn phân NPK hoặc phân chuồng. Nhớ bón thúc thêm vào dịp Tết để cây nở nhiều hoa và màu sắc đẹp hơn nhé.

Ánh sáng
Hoa hải đường không ưa ánh sáng mạnh trực tiếp từ mặt trời, bởi vậy bạn nên đặt cây ở những nơi có ánh sáng bán phần. Nếu trồng ngoài trời thì nên có lưới che để cản bớt ánh nắng nhưng vẫn cung cấp đủ ánh sáng cho cây phát triển.
Phòng trừ sâu bệnh
Nhìn chung hoa hải đường ít khi bị sâu bệnh, các bệnh có thể gặp phải như là rệp phồng lá, sâu… bạn chỉ cần mua thuốc về phun để trị là được, tương đối đơn giản.
Trên đây là những thông tin về cây hoa hải đường, tuy có thể chưa đầy đủ nhưng chắc hẳn đã cho bạn những kinh nghiệm cần thiết để tự tay trồng và chăm sóc một vài cây, trang trí vườn nhà.
Chúc bạn thành công.