Hoa hồng nhung có lẽ là loài hoa hồng phổ biến và được yêu thích nhất tại Việt Nam, không chỉ đẹp và ý nghĩa, loài hoa này còn rất đa dạng trong cách sử dụng.
Để trồng, chăm sóc và sử dụng hoa hồng nhung đúng cách, chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về loài hoa này qua những thông tin dưới đây nhé.
Tổng quan về cây hoa hồng nhung
Hoa hồng nhung là một loài thuộc họ hoa hồng truyền thống, có tên khoa học là Rosaceae. Tên của loài hoa này được đặt dựa trên vẻ đẹp mềm mại và màu sắc đỏ thắm của cánh hoa.

Là loài cây thân gỗ nhỏ, hồng nhung có dáng vẻ um tùm nhờ phân nhiều cành nhánh, phát triển thành bụi với chiều cao trung bình khoảng hơn 1m, trong điều kiện thuận lợi có thể cao hơn 2m.
Thân và cành đều có nhiều gai nhọn, mọc nhiều lá. Lá hồng nhung có màu xanh thẫm, dạng kép lông chim, mỗi lá có từ 3-9 lá chét. Lá có hình bầu dục, nhọn ở đầu, mép có răng cưa, bề mặt bóng, gân mờ.
Hoa thường nở ở đầu cành, khác với hoa hồng tezza hay hồng tỉ muội nở hoa theo chùm, hoa hồng nhung chỉ nở 1 bông riêng lẻ, cuống dài và cứng.
Các cánh hoa dày, xếp lớp xoắn đều từ trong ra ngoài vô cùng đẹp mắt, mỗi bông có thể có từ 20 – 50 cánh hoa tùy kích thước. Hoa có màu đỏ tươi vô cùng đẹp mắt và quyến rũ, không chỉ vậy mùi hương cũng rất thu hút.

Cây hồng nhung cũng có quả, quả của cây hình trái xoan được ôm gọn bởi các cánh đài.
Hạt hồng nhỏ, bề mặt có lông, vỏ hạt rất dày nên khả năng nảy mầm kém, bởi vậy hồng nhung thường được nhân giống bằng phương pháp giâm cành hay ghép cành hơn.
Về đặc tính sống, hoa hồng nhung là loài ưa sáng, ưa ẩm, nhu cầu dinh dưỡng trung bình, chịu hạn tốt, chịu úng kém.
Ý nghĩa của hoa hồng nhung
Từ lâu, hoa hồng nhung đã là một biểu tượng của tình yêu đôi lứa, nó tượng trưng cho thứ tình yêu vừa lãng mạn vừa nồng cháy.
Ngoài ra, hoa hồng nhung còn đại diện cho vẻ đẹp đằm thắm, quyến rũ và sang trọng của người phụ nữ.
Đối với tình cảm vợ chồng, việc tặng hoa hồng nhung hay trang trí hoa hồng nhung trong phòng ngủ tượng trưng cho lời hứa chung thủy, bên nhau trăm năm.

Công dụng của hoa hồng nhung
Là một loài hoa đẹp, bắt mắt và nhiều ý nghĩa, tất nhiên hoa hồng nhung được sử dụng vào rất nhiều mục đích, trong đó đa số là trang trí và làm quà tặng.
Hoa hồng nhung được trồng trang trí ở rất nhiều nơi, phổ biến nhất là những nơi công cộng như công viên, khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn.
Tại nhà, bạn có thể trồng hồng nhung ở hiên nhà, sân vườn, gần cổng để tạo lối đi, trồng trong chậu và đặt ở ban công.
Hoặc bạn cũng có thể cắt cành và cắm trong lọ, trang trí trên bàn, kệ tivi, cửa sổ, trong phòng ngủ… những bó lớn hơn có thể trang trí văn phòng, khu vực hội nghị, trang trí lễ cưới.
Hoa hồng nhung cũng được sử dụng làm quà tặng vào những dịp lễ đặc biệt với mục đích thổ lộ, khẳng định tình cảm.

Không chỉ vậy, hồng nhung còn được nghiên cứu và sử dụng nhiều trong lĩnh vực làm đẹp. Những dòng sản phẩm được chiết xuất từ hoa hồng nhung như nước hoa, toner, mỹ phẩm, son môi, sữa tắm, dưỡng ẩm đều rất được yêu thích.
Theo nhiều ghi chép Đông y, hoa hồng còn được sử dụng làm trà, nhờ làm lượng sắt đáng kể mà mang lại tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, điều hòa kinh nguyệt, giảm rạn da sau sinh.
Cách trồng hoa hồng nhung
Như đã thông tin, hoa hồng nhung chủ yếu được nhân giống bằng phương pháp giâm cành bởi tỉ lệ sống cao và nhanh ra hoa.
Chuẩn bị đất trồng
Đất trồng hoa hồng nhung tốt nhất là đất thịt, nhưng nếu không chuẩn bị được thì bạn có thể tự làm đất tại chỗ. Dùng đất vườn sau đó trộn thêm với xơ dừa, mùn và phân chuồng hoại mục, phơi nắng vài ngày để triệt tiêu mầm bệnh.
Chậu hoặc bầu ươm cần có lỗ thoát nước để tránh tình trạng ngập úng.
Nhân giống
Để thực hiện nhân giống bằng phương pháp giâm cành, bạn chọn từ cây mẹ cành bánh tẻ, mập mạp, không có dấu hiệu sâu bệnh, có khoảng 2 – 3 cặp lá.
Cắt một đoạn tầm 15 – 20cm, vát chéo ở gốc, cắt bớt diện tích lá để tránh thoát nước sau đó ngâm vào dung dịch kích rễ.
Tiếp đó cắm một nửa cành xuống bầu ươm, nén chặt lại, tưới đẫm nước lần đầu tiên. Đặt bầu ươm ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng gắt, tưới bổ sung nếu thấy đất khô, sau khoảng 10 ngày là cành sẽ bén rễ.
Bạn tiếp tục chăm sóc tới khi cây cao tầm 20cm là có thể tách ra trồng riêng hoặc chuyển vào chậu phù hợp.

Trồng hoa hồng nhung
Đào hố có kích thước phù hợp, sau khi bón lót thì đặt cây vào và lấp đất lại sao cho phần đất sát gốc hơi nhô lên, có thể phủ thêm ít rơm quanh gốc để giữ ẩm. Tiếp đó tưới nước đẫm để cấp ẩm cho đất.
Nếu trồng trong chậu, bạn đổ đất vào 1 nửa chậu, sau đó đặt cây con vào và lấp đất lại cho tới khi ngang mặt chậu, tưới đẫm nước.
Chăm sóc cây hoa hồng nhung
Nhờ phù hợp với môi trường nhiệt đới, quá trình chăm sóc hoa hồng nhung không tốn quá nhiều công sức, dưới đây là một vài lưu ý chính.
Ánh sáng: hoa hồng nhung ưa sáng, do đó bạn nên trồng hoa ở những vị trí thoáng mát, rộng rãi, đón được ánh nắng sớm là tốt nhất. Nếu trồng trong chậu và đặt ở nơi thiếu sáng thì mỗi tuần bạn nên mang chậu hoa ra ngoài vài tiếng để kích thích cây quang hợp.

Tưới nước: nhu cầu nước của hoa hồng nhung cũng không quá cao, bạn có thể tưới mỗi ngày 1 lần vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Nếu thời tiết quá khô hạn thì có thể tăng lên 2 lần mỗi ngày, ngược lại nếu mát mẻ, có mưa thì 2 – 3 ngày tưới 1 lần.
Độ ẩm: lượng nước tưới cũng khá quan trọng, bạn chỉ tưới lượng nước vừa đủ, thấy đất đã ướt thì dừng lại. Tưới nhiều có thể khiến ngập úng, thối rễ và nhiều bệnh liên quan khác.
Bón phân: trung bình khoảng 1 – 2 tháng một lần, bạn bón bổ sung phân hữu cơ, phân NPK cho hoa để cây sinh trưởng tốt hơn. Tốt nhất là hòa phân vào nước và tưới cho cây để khả năng hấp thu tốt hơn.
Cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh: thường xuyên quan sát, tỉa bỏ cành yếu, xấu, bỏ bớt lá dưới gốc để gốc, vừa tạo không gian, vừa giảm mầm bệnh. Sau khi hoa tàn thì nên cắt bỏ dưới đốt lá 2 tầng để cây mọc thêm nhánh mới. Nếu phát hiện sâu hại, rầy nấm, nhẹ thì loại bỏ bằng tay, nặng thì mua thuốc về trị.
Vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong về hoa hồng nhung, một loài hoa quen thuộc không chỉ đẹp mà còn rất ý nghĩa.
Hãy trồng một vài bụi hoa hồng nhung thật đẹp để tô điểm không gian sống nhé.