Hoa lồng đèn – mang vẻ đẹp độc đáo đến khu vườn của bạn

Hoa lồng đèn hay hoa đăng với nhiều kiểu dáng độc đáo và bắt mắt, sẽ mang đến sự nổi bật trong không gian sống hay làm việc của bạn.

Để hiểu rõ hơn về loài hoa này, hãy cùng tham khảo qua đặc điểm, cách trồng và chăm sóc hoa lồng đèn nhé.

Tổng quan về hoa lồng đèn (hoa đăng)

Hoa lồng đèn có tên khoa học là Fuchsia, đây là tên gọi của một chi thực vật gồm khoảng hơn 100 loài, thuộc họ Anh thảo chiều (Onagraceae).

Cây chủ yếu có nguồn gốc từ khu vực châu Mỹ và Tahiti. Tại một số nơi, hoa lồng đèn còn được gọi là hoa đăng hay hoa bông tai công nương…

Hoa lồng đèn
Hoa lồng đèn

Về đặc điểm, dù có nhiều loài nhưng hoa lồng đèn chủ yếu có 2 dạng là thân bụi và thân leo. Cây thân bụi cao khoảng 1 – 2m, trong khi cây thân leo phụ thuộc nhiều vào giàn leo, có thể cao tới hơn 3m.

Thân cây nhỏ, giòn và dễ gãy, chia làm nhiều cành nhánh um tùm, khi non thân có màu xanh và có màu nâu đỏ khi già hơn.

Lá cây có màu xanh thẫm, hình trái xoan, bầu dục với phần đầu hơi nhọn, chiều dài lá khoảng 5 – 10cm. Bề mặt lá dày và nhẵn, các đường gân mờ, mép nguyên.

Vì có nhiều loài nên hình dáng và màu sắc của hoa lồng đèn vô cùng đa dạng. Hoa mọc từ nách lá, rủ xuống phía dưới nhiều và dày. Cánh hoa gồm nhiều tầng với tầng trên màu đỏ, các tầng dưới có nhiều màu khác nhau hoặc pha trộn, chính giữa là các tua vươn dài.

Nhìn qua, hoa khá giống một chiếc lồng đèn, không chỉ vậy, kiểu dáng hoa còn giống như một thiếu nữ đang nhảy múa trong một bộ váy nhiều tầng sặc sỡ. Vô cùng đẹp và cuốn hút.

Hoa lồng đèn có hình dáng, màu sắc bắt mắt
Hoa lồng đèn có hình dáng, màu sắc bắt mắt

Về đặc tính, hoa lồng đèn sinh trưởng khá nhanh, ưa đất màu mỡ, nhu cầu nước và phân bón trung bình. Cây sống tốt nhất trong môi trường ánh sáng bán phần, tránh nắng gắt, hạn hán hay ngập úng.

Người ta thường nhân giống hoa bằng phương pháp giâm cành.

Ý nghĩa của hoa lồng đèn

Mang trong mình vẻ đẹp độc đáo, hoa lồng đèn cũng ẩn chứa nhiều ý nghĩa riêng mà không phải ai cũng biết.

Với màu sắc đa dạng, sặc sỡ, hình dáng bắt mắt, hoa lồng đèn tượng trưng cho sự thăng hoa trong tình yêu, với muôn vàn cảm súc như ngây thơ, nồng ấm, cháy bỏng và cả sâu sắc, thuỷ chung.

Hoa lồng đèn còn là một biểu tượng của nghệ thuật, đi liền với sự sáng tạo, là loài cây yêu thích của những người làm trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, hoa lồng đèn còn như một lời nhắn nhủ đến mọi người, rằng hãy luôn sống một cuộc sống đơn giản nhưng tích cực, bạn sẽ luôn có được sự thu hút từ mọi người.

Nhiều ý nghĩa ẩn chứa trong hoa lồng đèn
Nhiều ý nghĩa ẩn chứa trong hoa lồng đèn

Công dụng của hoa lồng đèn

Với vẻ đẹp đa dạng, dễ thu hút sự chú ý, hoa lồng đèn là một trong những loài hoa được ưa chuộng để trồng trang trí nhất hiện nay.

Cây có thể trồng ở rất nhiều vị trí, trồng thành bụi ở không gian công cộng, trồng trong bồn trang trí sân vườn.

Bạn có thể trồng cây trong chậu, trang trí ban công, hiên nhà. Bạn cũng có thể tạo thế cho cây mọc leo ở sân thượng, cửa sổ. Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là những chậu treo như cây nội thất với các chùm hoa lồng đèn buông thõng, thường được trang trí ở nhà hàng, quán cà phê, cửa sổ…

Hoa lồng đèn thường được trồng trong chậu treo
Hoa lồng đèn thường được trồng trong chậu treo

Nhân giống và trồng hoa lồng đèn

Mang vẻ đẹp độc đáo nhưng hoa lồng đèn lại không hề kén chọn, cách trồng và chăm sóc hoa khá đơn giản.

Hoa lồng đèn ưa mát mẻ, nên thời điểm tốt nhất để nhân giống và trồng là vào thời điểm nhiệt độ xuống thấp, ít nắng gắt, tốt nhất là vào đầu mùa mưa.

Đất trồng bạn có thể chọn đất tự nhiên, sau đó trộn thêm phân chuồng, kết hợp với xơ dừa, mùn để tăng độ tơi xốp và dinh dưỡng. Ngoài ra bạn nên lót vôi để khử bệnh, phơi hơi khô trước khi nhân giống. Chậu trồng, bầu ươm cần có lỗ bên dưới để thoát nước.

Chúng ta thường nhân giống hoa bằng phương pháp giâm cành, từ cây mẹ to khoẻ, bạn chọn ra cành mập mạp, không sâu bệnh.

Tiếp đó dùng dao sắc cắt một đoạn tầm 15cm, có 2 – 3 cặp lá. Sau đó bạn cắt bớt 2/3 diện tích lá để tránh mất nước, ngâm cành vào dung dịch kích rễ và cắm vào phần đất đã chuẩn bị từ trước.

Đặt bầu ươm ở nơi mát mẻ, tránh nắng gắt, tưới nước để duy trì độ ẩm cho đất, chỉ sau khoảng hơn 1 tuần là cành sẽ bén rễ, bạn tiếp tục chăm sóc tới khi cây đạt chiều cao khoảng hơn 30cm thì có thể tách bầu ra trồng ở đất hay chậu riêng.

Trồng cây bằng cành
Trồng cây bằng cành

Cách chăm sóc hoa lồng đèn

Sau khi trồng hoa lồng đèn, để hoa phát triển nhanh và ra nhiều hoa, bạn không được quên việc chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng cho hoa nhé.

Tưới nước

Nhu cầu nước của hoa lồng đèn khá cao, do đó bạn nên tưới hàng ngày, tốt nhất là tưới vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Tần suất tưới có thể tăng giảm theo điều kiện thời tiết.

Ngoài ra, bạn cần đặc biệt chú ý lượng nước tưới, không tưới quá nhiều 1 lúc có thể khiến cây không thoát nước kịp, gây úng rễ.

Dinh dưỡng

Bộ rễ của hoa lồng đèn khá yếu, do đó nhu cầu dinh dưỡng khá cao, bạn nên bón phân đều đặn cho hoa hàng tháng. Các loại phân bạn có thể thay đổi như phân chuồng, hữu cơ, NPK, kali…

Đặc biệt vào thời điểm cây chuẩn bị ra hoa thì bạn cần bón thúc thêm một đợt để hoa ra nhiều và đẹp hơn.

Ánh sáng

Lồng đèn là loài hoa ưa ánh sáng bán phần, chịu nắng gắt kém, do đó bạn nên đặt cây ở những nơi thoáng nhưng có lưới che hay ánh sáng hắt vào.

Nếu đặt chậu hoa trong nhà, cần đặt gần các vị trí cửa sổ hay giếng trời, bởi thiếu sáng thì tốc độ sinh trưởng và ra hoa của cây cũng kém đi.

Đảm bảo ánh sáng nhẹ tại nơi trồng hoa
Đảm bảo ánh sáng nhẹ tại nơi trồng hoa

Phòng trừ sâu bệnh

Hoa lồng đèn ít khi sâu bệnh, nhưng đôi khi vẫn bị rệp hay sâu ăn lá phá hoại. Bạn chỉ cần thường xuyên quan sát, cắt tỉa cành lá già héo, nếu phát hiện sâu hai thì loại bỏ, nặng thì mua thuốc về phun là được.

Nếu trồng cây ở vườn thì nhớ làm cỏ quanh gốc định kỳ nữa nhé.

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong những thông tin cơ bản về cây hoa lồng đèn rồi, hy vọng qua bài viết này, bạn có thể trồng và chăm sóc cây hoa của mình đúng cách hơn.

Chúc bạn thành công.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *