Hoa lưu ly mang vẻ đẹp ấn tượng, được trồng tại nhiều khu vực để làm cảnh. Không chỉ vậy, hoa lưu ly còn mang trong mình nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa cây hoa lưu ly cũng như cách trồng và chăm sóc hoa lưu ly, hãy cùng tham khảo những thông tin dưới đây nhé.
Tổng quan về hoa lưu ly
Lưu ly là không phải là tên một loài hoa mà thực tế là tên của một chi thực vật gồm khoảng 50 loài, có tên khoa học là Myosotis, thuộc họ Mồ hôi (Boraginaceae).
Theo một số ghi chép tiếng Việt thì chi này còn được gọi là họ Vòi voi nhiều hơn, lấy theo tên loài vòi voi là Heliotropium indicum.

Về đặc điểm, hoa lưu ly là loài thân cỏ, mọc thấp và bò lan, phần thân chia nhiều nhánh nên dáng vẻ rất um tùm, chiều cao cây chỉ khoảng 30cm. Cả thân và lá đều có phủ một lớp lông tơ mỏng.
Lá cây có màu xanh thẫm, dạng hình muỗng, thon và dài từ 5 – 8cm, rộng tầm hơn 1cm, các đường gân hơi mờ.
Lưu ly thường nở hoa vào khoảng tháng 4 đến tháng 6. Hoa lưu ly thường nở thành chùm, tập trung ở phần ngọn và vươn thẳng. Mỗi bông hoa lưu ly thường có 5 cánh xoe tròn, cánh hoa có dạng tròn đầu, ở giữa là phần nhị hoa màu vàng.
Vì có nhiều loài khác nhau nên màu sắc của hoa lưu ly cũng rất da dạng, nhưng phổ biến nhất vẫn là hoa lưu ly xanh và hoa lưu ly tím, những màu hiếm hơn có thể kể đến như màu hồng hay trắng.

Điều đặc biệt của loại hoa này là tùy vào từng loại đất, theo chế độ chăm sóc khác nhau sẽ cho màu sắc hoa trộn lẫn trên cùng một cây rất độc đáo.
Về đặc tính, hoa lưu ly sinh trưởng nhanh, ưa sáng, ưa ẩm, chịu hạn tốt, chịu úng kém, ít bị sâu bệnh và nhân giống bằng hạt.
Ý nghĩa của hoa lưu ly
Từ lâu, màu tím đã là màu của sự chung thủy, bởi vậy mà những bông lưu ly tím cũng mang trong mình ý nghĩa này.
Ý nghĩa này cũng dựa trên một sự tích, cô gái vì tưởng nhớ đến người yêu đã mất mà giữ mãi đóa hoa lưu ly, kỷ vật của hai người cho đến khi chết.
Trồng hay trang trí hoa lưu ly trong không gian sống sẽ tượng trưng cho tấm lòng chung thủy, dù xa cách vẫn không đổi thay.
Vào những dịp kỷ niệm, hãy tặng hoa lưu ly cho đối phương như một lời khẳng định tình cảm, lời thề ước trăm năm.
Ngoài ra, hoa lưu ly còn là biểu tượng cho tấm lòng dũng cảm, sự trung thành, là món quà thích hợp để tặng nhau giữa đồng nghiệp hay bạn bè.

Công dụng của hoa lưu ly
Mang dáng vẻ nhỏ nhắn nhưng um tùm, mỗi lần nở hoa lại tạo ra vẻ đẹp rực rỡ, khác biệt, hoa lưu ly rất được ưa chuộng để trồng làm cảnh.
Bạn có thể trồng hoa lưu ly ở rất nhiều vị trí như trang trí sân vườn, dọc tường rào, trong bồn hoa dưới những cây cao, vườn hoa, hè phố, công viên, khu du lịch, quán cà phê, khách sạn.
Bạn cũng có thể trồng những bụi nhỏ trong chậu trang trí ở ban công, bệ cửa sổ, bàn học hay bàn làm việc, kệ tivi, bàn ăn…

Không chỉ mang đến một không gian nhiều màu sắc, hoa lưu ly còn đặc biệt hiệu quả trong việc loại bỏ bụi bẩn, thanh lọc không khí. Ngắm nhìn những bông hoa lưu ly khoe sắc cũng là một cách thư giãn, giảm căng thẳng rất hiệu quả.
Ngoài ra, theo nhiều ghi chép Đông y, hoa của cây lưu ly còn có thể sử dụng để làm trà. Trà hoa lưu ly có tác dụng làm đẹp, chống lão hóa, tiêu độc mát gan, thanh lọc cơ thể, an thần, dễ ngủ.
Cách trồng hoa lưu ly
Chuẩn bị hạt giống và đất trồng
Hoa lưu ly thường được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt, bạn có thể chọn hạt từ cây mẹ khỏe mạnh, không có dấu hiệu sâu bệnh. Để chắc chắn hơn thì bạn nên mua hạt giống ở các đại lý để đảm bảo chất lượng hạt, lại chủ động chọn được màu hoa.
Sau khi chuẩn bị xong hạt thì cần chuẩn bị tiếp đất trồng. Dù không yêu cầu quá khắt khe, nhưng đất trồng vẫn phải đảm bảo các tiêu chí như độ tơi xốp, dinh dưỡng và đặc biệt là khả năng thoát nước.
Nếu không thể mua đất từ đại lý thì bạn có thể trộn đất vườn với phân chuồng hoại mục, thêm ít xơ dừa, mùn trấu là được.
Nếu muốn trồng hoa trong chậu thì chậu trồng nên chọn chậu đất nung, có lỗ ở đáy và thân chậu để tăng khả năng thoát nước.

Trồng cây lưu ly
Sau khi đã chuẩn bị xong, bạn đổ đất trồng vào khay ươm, tiếp đó rải đều hạt lên mặt đất, dàn ra cho đều. Cuối cùng là phủ lên trên một lớp đất mỏng nữa là được.
Đặt khay ở nơi thoáng mát, có ánh sáng nhẹ, dùng bình phun sương tưới nước đều đặn để giữ ẩm cho đất.
Sau khoảng 10 ngày thì hạt sẽ nảy mầm, bạn tiếp tục chăm sóc cho đến khi hoa lưu ly có 2 – 3 cặp lá thì có thể tách ra trồng vào chậu hoặc các vị trí mong muốn khác.
Cách chăm sóc hoa lưu ly
Là một cây có sức sống mãnh liệt, khả năng thích nghi tốt, quá trình chăm sóc hoa lưu ly không quá phức tạp. Dưới đây là một vài lưu ý cơ bản cho bạn.
Tưới nước
Vào những ngày bình thường, bạn chỉ cần tưới nước cho hoa 1 lần mỗi ngày vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn.
Tần suất này có thể thay đổi tùy theo thời tiết, nếu trời mưa thì không cần tưới, ngược lại nếu nắng nóng thì ngày tưới 2 lần.
Mỗi lần tưới nước cần chú ý lượng nước tưới, không quá đẫm bởi nếu đất không thoát nước tốt có thể gây ngập úng, thối rễ.

Ánh sáng
Khi còn nhỏ thì cây hoa lưu ly ưa mát mẻ nên bạn cần có biện pháp che chắn khi nắng gắt. Nhưng khi cây đã lớn thì lại ưa sáng, do đó bạn cần trồng hay đặt chậu cây ở những nơi thoáng đãng, có nhiều ánh sáng.
Nếu đặt cây trong nhà thì nên đặt ở ban công, cửa sổ, hoặc nếu không thì mỗi tuần nên đưa chậu cây ra phơi nắng một vài tiếng.
Dinh dưỡng
Bón phân định kỳ cho cây hoa lưu ly mỗi tháng một lần, có thể bổ sung phân hữu cơ hoặc phân NPK. Vào thời điểm cây sắp ra hoa, bạn có thể bón thúc thêm một đợt. Cách hiệu quả nhất là hòa phân vào nước và tưới cho cây.
Cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh
Trong quá trình chăm sóc, bạn nên thường xuyên quan sát để loại bỏ cành lá hư thối, vừa tạo vẻ đẹp vừa nhanh chóng phát hiện sâu bệnh.
Dù ít sâu bệnh nhưng hoa lưu ly đôi khi cũng gặp phải tình trạng rệp ăn lá, bạn chỉ cần lau sạch là được.
Vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong những thông tin cơ bản về cây hoa lưu ly rồi. Hãy trồng một vài bụi hoa lưu ly để tô điểm thêm cho không gian sống của mình nhé.