Hoa móng tay – đặc điểm, cách trồng và chăm sóc

Hoa móng tay là loài hoa khá thường gặp hiện nay, không chỉ đẹp, loài cây này còn mang lại nhiều công dụng trong y học.

Vậy cụ thể cây hoa móng tay mang lại những tác dụng gì?

Cùng tìm hiểu những thông tin về đặc điểm, đặc tính và cách chăm sóc hoa móng tay qua bài viết này nhé.

Đặc điểm cây hoa móng tay

Hoa móng tay có tên khoa học là Impatiens balsamina, đây là loài thực vật có hoa thuộc chi Impatiens, họ Bóng nước (Balsaminaceae), cùng họ với hoa ngọc thảo.

Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, tại Việt Nam loài hoa này còn được gọi với những cái tên như bóng nước, phượng tiên hoa.

Cây hoa móng tay
Cây hoa móng tay

Về đặc điểm bên ngoài, hoa móng tay là loài thân thảo, thân có hình trụ mọc thẳng, vỏ nhẵn, có màu lục nhạt, chiều cao của cây khoảng 30 – 80cm tuỳ điều kiện môi trường.

Lá móng tay có màu xanh nhạt, mọc đơn xen kẽ. Lá có hình mác nhọn, chiều dài khoảng 6 – 8cm, bề mặt lá nhắn, mép có răng cưa nổi rõ.

Hoa cây móng tay mọc ra ở nách lá, phủ dọc thân, mỗi bông hoa được tạo thành từ nhiều cánh hoa mỏng, xếp chồng hoặc xoắn không theo quy luật. Màu sắc của hoa cũng khá đa dạng từ đỏ, hồng, trắng đến tím…

Hoa móng tay có nhiều màu đa dạng
Hoa móng tay có nhiều màu đa dạng

Hoa thường nở trong khoảng thời gian từ tháng 6 – 10, sau đó sẽ cho quả dạng nang, có lông tơ phủ ngoài. Khi chín, quả sẽ nứt thành 5 mảnh và bắn hạt ra xa để tự nhân giống.

Về đặc điểm sinh thái, hoa móng tay có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng thích nghi tốt, ưa ẩm, ưa sáng, chịu úng kém và phù hợp nhất với môi trường hôn đới.

Công dụng của hoa móng tay

Với vẻ ngoài đẹp mắt, màu hoa đa dạng độc đáo, cây móng tay được nhiều người lựa chọn như một loại cây cảnh trang trí.

Các vị trí trồng cây cũng rất đa dạng, bạn có thể trang trí các khuôn viên công cộng như vườn hoa, công viên, dọc vỉa hè, trường học, bệnh viện, khu đô thị, quán cà phê sân vườn.

Bạn cũng có thể trồng cây tại nhà, trang trí sân vườn, tiểu cảnh, bồn hoa, hoặc trồng trong chậu đặt trong nhà, bàn tiếp khách, bàn học hay bàn làm việc, cửa sổ, giếng trời, ban công.

Hoa móng tay thường được trồng làm cảnh
Hoa móng tay thường được trồng làm cảnh

Lá cây móng tay có thể dùng để nấu nước gội đầu, kích thích mọc tóc.

Theo nhiều ghi chép Đông Y, hoa móng tay còn là một loại cây thuốc rất tốt. Cây có vị cay, tính ôn, hơi có độc, có tác dụng khử phong thấp, hoạt huyết, chỉ thống, thường dùng chữa phong thấp, bị thương sưng đau, rắn rết cắn. Phụ nữ có thai không dùng được.

Tuy vậy, để sử dụng làm dược liệu thì bạn cần sự tư vấn từ chuyên gia hoặc bác sĩ, tránh tự ý sử dụng có thể gây hại cho cơ thể.

Cách trồng và chăm sóc hoa móng tay

Nhờ khả năng thích nghi tốt và sinh trưởng mạnh mẽ, quá trình trồng và chăm sóc hoa móng tay khá đơn giản.

Trồng cây

Đầu tiên ta cần chuẩn bị đất trồng và hạt giống. Đất bạn có thể dùng đất tại chỗ, sau đó pha thêm với phân chuồng, xơ dừa, mùn trấu để tăng độ tơi xốp, dinh dưỡng và khả năng thoát nước. Bầu ươm hay chậu trồng cũng phải đảm bảo có lỗ bên dưới để thoát nước.

Hạt giống cần chọn hạt to đều, mẩy, không có dấu hiệu sâu bệnh. Sau khi chọn được hạt giống, bạn ngâm hạt trong nước ấm 50 độ C trong khoảng 5 tiếng, sau đó gieo trực tiếp lên bề mặt đất trồng.

Gieo xong thì phủ lên một lớp đất mỏng, tưới phun sương để tạo độ ẩm cho đất, đặt chậu hoặc bầu ươm ở nơi thoáng mát, có lưới che tránh nắng gắt.

Chỉ sau khoảng hơn 10 ngày thì hạt sẽ nảy mầm, bạn tiếp tục chăm sóc tới khi cây có 3 – 4 lá thì có thể tách ra chậu riêng hoặc trồng ra đất.

Nhân giống hoa móng tay bằng hạt
Nhân giống hoa móng tay bằng hạt

Chăm sóc cây hoa móng tay

Sau khi trồng hoa móng tay, bạn vẫn cần tiếp tục chăm sóc để cây sinh trưởng nhanh, ra hoa đẹp.

Yếu tố đầu tiên là nước tới, khi cây còn nhỏ thì bạn cần duy trì tưới nước hàng ngày, nên tưới ít để tránh ngập úng, chỉ cần đất đủ ẩm là được. Sau khi cây đã lớn hơn thì có thể 3 ngày tưới 1 lần là đủ.

Không gian sinh trưởng của cây cũng cần được chú ý, nên trồng cây ở nơi rộng rãi, thoáng mát, nhiều ánh sáng. Càng tiếp xúc nhiều ánh sáng thì cây càng khoẻ mạnh, hoa nở rực rỡ hơn. Tuy vậy, khi cây còn nhỏ thì bạn nhớ che lưới mỗi khi nắng gắt nhé.

Trồng cây ở nơi nhiều ánh sáng
Trồng cây ở nơi nhiều ánh sáng

Thời điểm cây nảy mầm được 20 ngày, bạn nên hoà một ít phân NPK vào nước rồi tưới cho cây. Sau khi cây đã lớn thì không cần bón thêm phân mà định kỳ thay đất mỗi năm 1 lần.

Trong quá trình chăm sóc cũng cần thường xuyên quan sát, vệ sinh đất để tránh tình trạng nấm mốc hay sâu hại tấn công. Nếu bị thì cần mua thuốc về trị ngay tránh để tình trạng lan rộng.

Vậy là ta đã tìm hiểu xong những đặc điểm và công dụng của cây hoa móng tay rồi, hy vọng với những thông tin hữu ích trên, bạn sẽ sớm có một vườn hoa đẹp, mang tới không gian sống trong lành hơn.

Chúc bạn thành công.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *