Hoa ngọc thảo sở hữu dáng vẻ và màu sắc hài hoà, mang lại cho bạn nhiều lựa chọn trong quá trình trang trí không gian sống.
Không những vậy, cây hoa ngọc thảo còn có sức sống tốt, quá trình trồng và chăm sóc đơn giản, nên không tốn nhiều công sức của bạn.
Cùng tìm hiểu qua những thông tin dưới đây nhé.
Đặc điểm của cây hoa ngọc thảo
Hoa ngọc thảo có tên khoa học là Impatiens walleriana, đây là một loài thực vật có hoa trong họ Bóng nước (Balsaminaceae), cùng họ với hoa móng tay. Cây có nguồn gốc từ phía đông Châu Phi, sau đó dần phổ biến ra nhiều nước trong đó có Việt Nam.
Ngoài ngọc thảo, cây còn được gọi với nhiều cái tên khác như hoa chân nến, hoa ngọc thảo xoắn kép, hay mai địa thảo.

Đặc điểm bên ngoài, cây ngọc thảo có thân thảo, mọng nước, thân có màu xám xanh, chia làm nhiều cành nhánh, phát triển thành bụi với chiều cao chỉ từ 20 – 100cm tuỳ môi trường sống.
Phía dưới là bộ rễ chùm, không đâm sâu mà chủ yếu lan rộng.
Lá cây có màu xanh thẫm với các đường gân nhạt hơn, lá có hình bầu dục, nhọn dần ở 2 đầu, chiều dài khoảng 8 – 10cm, bề mặt lá nhẵn, viền có các rãnh nông.
Hoa ngọc thảo có 2 loại chính là ngọc thảo đơn và ngọc thảo kép. Đối với hoa đơn, bông hoa gồm 5 cánh mỏng xếp đan vào nhau, khi nở sẽ xoè ra hết cỡ. Trong khi đó, hoa ngọc thảo kép lại gồm nhiều tầng cánh hoa chồng lên nhau, khi nở sẽ không bung rộng mà xoắn vào nhau tương tự như hoa hồng.
Hoa thường nở vào khoảng tháng 6 – 8 với nhiều màu sắc đa dạng như đỏ, cam, hồng, tím…
Hạt ngọc thảo có hình nửa cầu kết hợp với tròn, có thể dùng để nhân giống.
Về đặc tính sinh trưởng, hoa ngọc thảo phát bụi nhanh, ra hoa nhiều, cây ưa bóng mát và ánh sáng bán phần, chịu nắng gắt kém, nhu cầu nước trung bình, ít sâu bệnh.
Ý nghĩa hoa ngọc thảo
Trong phong thuỷ, hoa ngọc thảo được cho là loài hoa có thể mang lại nhiều may mắn, tài lộc.
Người trồng hoa ngọc thảo trong khuôn viên sống hay khu vực làm việc sẽ gặp nhiều thuận lợi trong cả cuộc sống và công việc.

Công dụng của cây hoa ngọc thảo
Nhờ vẻ ngoài tươi tắn, mang nhiều màu sắc, hoa ngọc thảo rất được ưa chuộng để trồng làm cảnh, trang trí ở nhiều khu vực, chủ yếu là làm cây trang trí sân vườn.
Cây được trồng phổ biến ở các khu vực công cộng, tạo thành thảm trang trí công viên, trường học, vỉa hè, các khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng.

Trong khuôn viên nhà, bạn có thể trồng hoa để trang trí tiểu cảnh, các bồn hoa nhỏ, sân vườn. Các cây nhỏ bạn có thể trồng trong chậu làm cây để bàn, đặt ở hiên nhà, ban công, trang trí bệ cửa sổ, bàn làm việc…

Ngắm nhìn những đoá hoa ngọc thảo khoe sắc cũng là một cách để giải toả tinh thần, giảm căng thẳng vô cùng hiệu quả.
Bạn cũng có thể sử dụng những chậu hoa ngọc thảo để làm quà tặng trong những dịp đặc biệt, thay cho những lời chúc ý nghĩa.
Cách trồng và chăm sóc cây hoa ngọc thảo
Hoa ngọc thảo thường được nhân giống bằng hạt, bởi thời gian sinh trưởng khá nhanh và cách chăm sóc cũng đơn giản.
Chuẩn bị hạt và đất trồng
Hạt giống để gieo phải đảm bảo độ già, chắc mẩm, không có dấu hiệu sâu bệnh, tốt nhất là bạn mua hạt giống từ các đại lý để đảm bảo.
Đất trồng bạn có thể sử dụng đất tại chỗ, sau đó trộn thêm với phân chuồng, xơ dừa, mùn trấu để đảm bảo độ tơi xốp. Chậu trồng, khay hay bầu ươm cũng cần có lỗ thoát nước đầy đủ, tránh ngập úng.
Nhân giống
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, bạn chỉ việc gieo hạt trực tiếp xuống phần đất đã chuẩn bị từ trước, lấp lên một lớp đất mỏng.
Tưới phun sương để duy trì độ ẩm cho đất, đặt khay, chậu hoặc bầu ươm ở nơi thoáng mát, tránh nắng gắt, chỉ sau khoảng 2 tuần là hạt sẽ nảy mầm.
Tiếp tục chăm sóc cho tới khi cây có 2 – 3 cặp lá, cao khoảng 15cm thì có thể tách ra chậu riêng hoặc trồng ra đất.

Tưới nước
Hoa ngọc thảo là loài có khả năng chịu hạn tốt, do đó bạn không cần phải tưới nước quá nhiều. Tốt nhất là duy trì tần suất tưới 2 ngày 1 lần, khi tưới chỉ cần làm đủ ẩm đất, không tưới ngập có thể khiến cây bị úng rễ.
Tần suất và lượng nước tưới có thể thay đổi tuỳ theo thời tiết, miễn sau không để đất quá khô hay quá ngập là được.
Ánh sáng
Hoa ngọc thảo không phù hợp để trồng ở nơi có ánh sáng trực tiếp, do đó bạn nên trồng cây ở những nơi có ánh sáng bán phần, ví dụ như dưới bóng cây lớn, dưới hiên nhà, bên cửa sổ, ban công, giếng trời.
Nếu đặt chậu cây trong nhà thiếu ánh sáng, mỗi tuần bạn nên mang cây ra ngoài nắng sớm khoảng 2 tiếng để kích thích cây quang hợp.

Phân bón
Mỗi tháng một lần, bạn hoà chung phân hữu cơ vào nước rồi tưới cho cây, như vậy là đủ để cho hoa sinh trưởng tốt, phát tán rộng và hoa nở đẹp.
Nếu trồng cây trong chậu đã chuẩn bị đất kỹ thì bạn không cần phải bón phân, thay vào đó cứ hơn 1 năm lại thay đất một lần để làm mới môi trường sống.
Cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh
Vì hoa ngọc thảo ít khi bị sâu bệnh nên trong quá trình chăm sóc bạn chỉ cần chú ý thường xuyên cắt tỉa cành lá hư thối, từ đó nhanh chóng phát hiện sâu rầy để loại bỏ sớm là được.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây hoa ngọc thảo, một loại cây cảnh tuyệt vời, vừa đẹp vừa ý nghĩa, không thể thiếu trong khu vườn nhà bạn.