Hoa phong lữ mang vẻ đẹp tươi sáng, có thể trồng theo nhiều kiểu để trang trí nên được nhiều người chơi hoa yêu thích.
Không chỉ vậy, loài hoa này còn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc cây hoa phong lữ qua những thông tin dưới đây.
Tổng quan về cây hoa phong lữ
Hoa phong lữ có tên khoa học là Pelargonium zonale, là một loài thực vật có hoa trong họ Mỏ hạc (Geraniaceae). Loài hoa này có nguồn gốc từ Châu Âu, nhờ vẻ đẹp rực rỡ mà du nhập vào nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Về đặc điểm, cây phong lữ là loài thân thảo, đủ lớn sẽ hoá gỗ. Thân cây tròn và mọng nước, chia làm nhiều nhánh thành bụi, dọc thân có phủ một lớp lông tơ, chiều cao trung bình từ 20 – 50cm.
Lá cây màu xanh thẫm, có dạng hình tròn, cuống dài, bề mặt lá cũng có phủ lông tơ như thân, mép không nguyên mà có các nếp nhăn lượn sóng.
Hoa phong lữ nở thành chùm trên các nhánh vươn thẳng, mỗi chùm có từ 5 – 10 bông hoa. Mỗi bông có khoảng 5 cánh hoa xếp chồng chéo lên nhau, tạo nên một bó hoa toả tròn đẹp mắt. Mỗi lần nở, các chùm hoa vươn hẳn lên trên, tạo nên một thảm màu đầy cuốn hút.
Màu sắc của hoa phong lữ cũng khá đa dạng, chủ yếu vẫn là màu đỏ, cam, trắng, hồng… màu vàng hoặc tím thì ít phổ biến hơn.

Ngoài ra, còn có một loại gọi là hoa phong lữ thảo rũ, với loài này, những chùm hoa không vươn thẳng lên trên đỉnh mà có xu hướng toả đều ra các hướng, mang dáng vẻ mềm mại hơn.
Về đặc tính sống, hoa phong lữ sinh trưởng nhanh, sống lâu năm, có khả năng thích nghi tốt, ưa ẩm nhưng chịu hạn tốt, sống tốt cả ngoài nắng và bóng râm, nhu cầu dinh dưỡng trung bình, chịu úng kém.
Cây thường được nhân giống bằng phương pháp giâm cành.
Ý nghĩa của hoa phong lữ
Không chỉ mang vẻ đẹp rực rỡ và đa dạng, hoa phong lữ còn mang trong mình nhiều ý nghĩa khác nhau, tuỳ vào màu hoa mà nó sở hữu.
Hoa phong lữ đỏ mang đến sự ấm áp, thể hiện sự gắn bó của các thành viên trong gia đình, mang đến tâm trạng tươi mới, khởi sắc.
Phong lữ hồng lại có ý nghĩa nhẹ nhàng hơn, tượng trưng cho thứ tình cảm lãng mạn, ngọt ngào, không chỉ tình yêu mà còn là tình thân, tình bạn nữa.
Hoa phong lữ trắng lại tượng trưng cho sự sinh sôi, thúc đẩy sinh sản. Ngoài ra, từ xưa thì màu hoa này còn được cho là có khả năng xua đuổi rắn.
Những hoa phong lữ có màu sẫm như tím thường tượng trưng cho nỗi buồn, sự sầu muộn, dùng để nói lên nỗi tâm tư của những ai gặp trắc trở trong cuộc sống, tình yêu.

Công dụng của hoa phong lữ
Với vẻ đẹp rực rỡ và nhiều ý nghĩa, không khó hiểu khi nhiều người yêu thích và trồng hoa phong lữ như một loại cây cảnh.
Bạn có thể trồng hoa phong lữ thành thảm, trang trí ở các nơi rộng rãi như công viên, vỉa hè, khuôn viên trường học, bệnh viện, khu đô thị hay khu du lịch nghỉ dưỡng.
Tại vườn nhà, bạn có thể trồng cây ở lối đi, bồn hoa, chậu cảnh, trang trí sân vườn, tiểu cảnh. Tuỳ kích thước chậu cây mà bạn có thể làm hoa để bàn, đặt ở bàn học, bàn làm việc, cửa sổ, giếng trời, ban công…

Hoa phong lữ còn góp phần không nhỏ vào việc loại bỏ bụi bẩn, giúp không gian sống trong lành, cải thiện tinh thần, giảm căng thẳng hiệu quả.
Lá phong lữ có mùi thơm đặc biệt, nên thường được chiết xuất để làm nước hoa hay tạo hương có các loại tinh dầu.
Là loài hoa mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, nhiều người cũng sử dụng hoa phong lữ như một loại quà tặng, thay cho những lời chúc ý nghĩa.
Cách trồng và chăm sóc hoa phong lữ
Cách trồng hoa phong lữ
Hiện nay người ta thường nhân giống phong lữ bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành, trong đó giâm cành có nhiều ưu điểm hơn.
Đất trồng hoa phong lữ cần đảm bảo các tiêu chí về dinh dưỡng, độ tơi xốp và khả năng thoát nước. Bạn có thể chọn đất tại chỗ, sau đó trộn thêm xơ dừa, mùn trấu. Chậu trồng hay bầu ươm phải có lỗ thoát nước bên dưới tránh ngập úng.
Đầu tiên, bạn chọn cành giâm từ cây mẹ to khoẻ, không có dấu hiệu sâu bệnh. Chọn một cành bánh tẻ mập mạp, dùng dao sắc cắt một đoạn khoảng 10 – 15cm, có 2 – 3 mắt mầm.
Vót chéo phần gốc cành để tăng bề mặt tiếp xúc, nhúng cành vào dung dịch kích rễ rồi cắm xuống bầu đất hoặc chậu đã chuẩn bị từ trước.

Đặt chậu hoặc bầu ươm ở nơi thoáng mát, tưới nước kiểu phun sương đều đặn để duy trì độ ẩm, tưới vừa phải để tránh ngập úng, chỉ sau khoảng 3 – 4 tuần là cành sẽ bén rễ và phát triển thành bụi mới.
Tiếp tục chăm sóc, khi nào cây có khoảng 3 – 5 lá, cao khoảng 15cm trở lên thì có thể chuyển ra chậu riêng hoặc trồng ra đất.
Cách chăm sóc hoa phong lữ
Có khả năng thích nghi tốt, quá trình chăm sóc hoa phong lữ không có gì quá phức tạp, có thể nói là khá dễ dàng, dưới đây là một vài lưu ý chính.
Tưới nước: nhu cầu nước tưới của hoa phong lữ khá ít, khi cây còn nhỏ thì bạn có thể tưới mỗi ngày 1 lần vào sáng sớm, tưới kiểu phun sương. Khi cây đã lớn thì mỗi tuần tưới 2 lần là đủ. Tần suất và lượng nước tưới bạn nên tăng giảm theo thời tiết và chú ý không để đất bị ngập úng nhé.
Ánh sáng: vị trí tốt nhất để trồng hoa phong lữ vẫn là những nơi thoáng mát, có nhiều ánh sáng. Dù vậy, hoa phong lữ có thể sinh trưởng tốt cả trong bóng râm nên vị trí trồng cây khá linh hoạt, bạn đặt ở đâu cũng được.

Dinh dưỡng: nhu cầu dinh dưỡng của hoa phong lữ không cao, nhưng để cây sinh trưởng nhanh, đặc biệt là hoa có màu tươi sáng thì bạn nên định kỳ bổ sung phân NPK cho cây, khoảng 3 tháng 1 lần và bón thúc 1 đợt trước khi nở hoa.
Phòng trừ sâu bệnh: nhờ lớp lông tơ trên thân và lá mà hoa phong lữ ít khi bị sâu bệnh, dù vậy trong quá trình chăm sóc bạn cũng nên thường xuyên quan sát. Nếu thấy hiện tượng sâu hoặc rầy, rệp thì có biện pháp loại bỏ ngay.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây hoa phong lữ, một loài hoa không chỉ đẹp mà còn mang nhiều ý nghĩa, không thể thiếu trong khu vườn của bạn.
Chúc bạn thành công.