Hoa súng – ý nghĩa và công dụng của hoa súng

Hoa súng là loài cây không còn quá xa lạ, ta có thể bắt gặp nó ở nhiều ao hồ, kênh rạch, vùng sông nước ở khắp Việt Nam.

Tuy vậy, nhiều người vẫn chưa biết hết những công dụng mà cây hoa súng mang lại.

Hãy cùng nhau tìm hiểu quan những thông tin dưới đây nhé.

Tổng quan về cây hoa súng

Hoa súng thực ra là tên gọi của một chi thực vật gồm khoảng 40 loài, có tên khoa học là Nymphaea, thuộc họ Súng (Nymphaeaceae).

Nhiều người thường nhầm lẫn hoa súng và hoa sen (Nelumbonaceae) là cùng một họ, nhưng thực tế đây là 2 loài hoàn toàn khác nhau.

Hoa súng
Hoa súng

Về đặc điểm, hoa súng là loài sống thủy sinh, sống lâu năm. Phần thân và rễ súng thường bò ngang và ẩn phía dưới mặt nước, chỉ một phần nhỏ thân và lá, hoa là nằm phía trên mặt nước.

Thân cây tròn nhẵn hoặc có lông tơ, màu xanh hoặc nâu đỏ. Lá nằm trên mặt nước, cũng có màu xanh, thường là lá đơn và mọc cách. Kích thước lá súng khá to, hình tròn mép lá xẻ hình chữ V sâu đến cuống.

Vào khoảng thời gian từ tháng 9 – 11 thì cây bắt đầu ra hoa. Hoa súng khá giống hoa sen, đường kính lớn, gồm nhiều lớp cánh hoa thuôn dài xếp chồng, xoe tròn, phía trong là phần nhụy vàng cũng khá lớn. Hoa có mùi thơm nhẹ và màu sắc khá đa dạng như hồng, vàng, tím, trắng…

Tại Việt Nam còn có một loài hoa súng rất đặc biệt có màu xanh lam nhưng khá hiếm.

Hoa súng có kích thước khá lớn
Hoa súng có kích thước khá lớn

Hoa súng ở Việt Nam thuộc loại nhiệt đới, có thể nở vào cả ban ngày và ban đêm. Ngoài súng nhiệt đới thì còn có súng chịu rét, chỉ nở vào ban ngày.

Ý nghĩa của hoa súng

Sống trong môi trường ao tù nước đọng, nhiều bùn đất nhưng cây hoa súng vẫn vươn lên mạnh mẽ, cho ra những bông hoa đẹp và rực rỡ. Bởi vậy loài hoa này tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, ý chí vươn lên không ngại khó khăn.

Không những vậy hoa súng còn tượng trưng cho những gì thuần khiết, tươi sáng, không vấy bẩn bụi trần.

Trong phong thủy, hoa súng cũng được cho là mang lại nhiều vận khí, nên được nhiều người trồng trang trí trong tiểu cảnh, sân vườn.

Ngoài ra, mỗi màu của hoa súng lại mang trong mình một ý nghĩa riêng biệt, cụ thể:

  • Hoa súng trắng: là hình ảnh tượng trưng cho sự tinh khôi, thuần khiết và trong sáng.
  • Hoa súng đỏ: là sự năng động, trẻ trung và luôn tràn đầy sức sống.
  • Hoa súng hồng: là sự lãng mạn và mộng mơ của tuổi trẻ.
  • Hoa súng tím: là sự thủy chung trong tình yêu.
  • Hoa súng vàng: là sự quý phái và tiền tài.
Mỗi màu hoa súng lại có một ý nghĩa riêng
Mỗi màu hoa súng lại có một ý nghĩa riêng

Công dụng của cây hoa súng

Là một loài hoa đẹp, lại hợp phong thủy, nhiều người thường tận dụng hoa súng để trồng làm cảnh, trang trí trong sân vườn, tiểu cảnh, bể nước… vừa làm đẹp không gian sống, vừa giúp thư giãn, giảm căng thẳng hiệu quả.

Hoa súng thường được trồng trang trí trong tiểu cảnh sân vườn
Hoa súng thường được trồng trang trí trong tiểu cảnh sân vườn

Ở miền Tây, người dân đặc biệt thích dùng hoa súng làm thực phẩm, bạn có thể bắt gặp cây hoa súng trong là nguyên liệu trong nhiều món ăn như lẩu chua, gỏi, canh chua hay món dưa chua hoa súng.

Đặc biệt, trong Đông y, hoa súng được biết đến là loài cây rất hữu ích.

Theo nhiều ghi chép, hoa súng có tác dụng an thần, trợ tim, chống co thắt, hỗ trợ hô hấp. Ngoài ra, cây hoa súng còn hỗ trợ chống say nắng, thanh nhiệt, cầm máu tạm thời, điều trị các bệnh như mất ngủ, ho, tiêu chảy, kiết lỵ, viêm thận, tiểu buốt, viêm bàng quang, đau lưng, mỏi gối do thận yếu.

Tất nhiên, bạn không thể tùy tiện sử dụng hoa súng làm thuốc mà cần có sự tư vấn kỹ càng từ bác sĩ và những người có chuyên môn.

Cách trồng và chăm sóc hoa súng

Là loài có khả năng sinh trưởng tốt trong tự nhiên, nên quá trình trồng và chăm sóc hoa súng không có gì quá phức tạp

Nhân giống

Hoa súng thường được nhân giống bằng củ. Khi chọn củ giống, bạn nên lựa chọn những củ mập đều, chắc tay, không có dấu hiệu sâu bệnh, các đoạn rễ đi kèm to khỏe.

Vì cây súng là loài mọc ngang, nên chậu hay bể trồng phải đảm bảo chiều ngang đủ rộng để cho cây sinh trưởng, ít nhất là 40cm, sâu tầm 20cm là đủ, vít lỗ ở đáy chậu.

Dù là loài thủy sinh thì phần củ của cây vẫn tiếp xúc với đất, do đó bạn cũng phải chuẩn bị đất trồng. Bạn trộn đất thịt phân chuồng hoại mục rồi trộn với nước, ngâm 7 ngày trước khi gieo củ.

Cắt bớt các rễ già trên củ rồi trồng sát thành chậu, đặt củ nằm nghiêng, như vậy cây sẽ vươn được xa hơn so với trồng giữa chậu. Đảm bảo không gian chậu hay bể nước thoáng mát, nhiều ánh sáng.

Nhân giống hoa súng bằng củ
Nhân giống hoa súng bằng củ

Nước

Vì là loài thủy sinh nên bạn không cần tưới nước, tuy nhiên phải duy trì mực nước trong chậu hay bề luôn cao. Khi trời quá nóng thì bạn có thể phun sương ít nước lên lá để hạ nhiệt.

Ánh sáng

Hoa súng là loài ưa sáng và cần ánh sáng để vươn lên khỏi mặt nước, do đó bạn không nên trồng cây trong nhà. Hãy đảm bảo cây tiếp xúc với ánh sáng ít nhất 6 tiếng mỗi ngày.

Nhiệt độ

Là loài cây ưa ấm, hoa súng thích hợp với mức nhiệt độ trung bình là 16 – 30 độ C. Khi quá lạnh, cây sẽ không nở hoa cũng như khi quá nóng, cây sẽ mất độ ẩm dẫn đến chậm lớn.

Dinh dưỡng

Khoảng 2 tháng 1 lần, bạn bổ sung phân NPK cho cây để cây có thể sinh trưởng tốt và ra hoa nhiều hơn. Cách bón phân cũng khá đặc biệt, bạn gói phân trong giấy rồi ấn xuống ở gần gốc, sau khi phân hòa tan thì cây có thể hấp thụ được ngay.

Đảm bảo dinh dưỡng bằng cách bón phân
Đảm bảo dinh dưỡng bằng cách bón phân

Cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh

Hoa súng ít khi bị sâu bệnh, bạn chỉ cần thường xuyên quan sát, lau chùi lá sạch sẽ là đảm bảo cây sinh trưởng tốt, không những thế còn tăng tính thẩm mỹ cho cây.

Khi hoa tàn, lá úa cần ngắt bông đến sát gốc cây để tập trung dinh dưỡng nuôi hoa, lá khác.

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong về cây hoa súng rồi, một loài hoa không chỉ đẹp mà còn nhiều công dụng và ý nghĩa đúng không nào.

Nếu có sân vườn rộng thì đừng bỏ qua cây hoa súng trong bộ sưu tập cây cảnh nhé.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *