Cây hoa tầm xuân – đặc điểm và cách chăm sóc hiệu quả

Tầm xuân là loài hoa mang vẻ đẹp độc đáo và nhiều công dụng hữu ích, bởi vậy mà được nhiều người yêu thích, trồng làm cảnh.

Vậy bạn đã biết cách để trồng và chăm sóc cây hoa tầm xuân sao cho hiệu quả?

Nếu chưa, hãy cùng nhau tìm hiểu qua những thông tin dưới đây nhé.

Đặc điểm hoa tầm xuân

Tầm xuân có tên khoa học là Rosa canina, là một dạng hoa hồng mọc leo thuộc chi Hồng (Rosa), họ Hoa hồng (Rosaceae), một họ nổi tiếng với hoa hồng nhung, hoa hồng tezza hay hồng leo. Cây có nguồn gốc từ nhiều khu vực khác nhau như châu Âu, Tây Bắc Phi và Tây Á.

Hoa tầm xuân
Hoa tầm xuân

Về đặc điểm, hoa tầm xuân là loài cây bụi, mọc leo, khi già có thể hoá gỗ. Cây có chiều cao trung bình từ 1 – 5m, hoặc cao hơn tuỳ thuộc vào giàn leo.

Thân cây có màu xanh nhạt, đậm màu hơn khi về già, khắp thân có lông cứng và gai sắc nhọn để phục vụ cho việc leo bám.

Lá cây dạng chét lông chim, với mỗi nhánh gồm từ 5 – 7 lá. Lá có màu xanh thẫm, hình bầu dục dài khoảng 3 – 5cm, bề mặt lá trơn với các đường gân mờ, mép có răng cưa nhỏ. Hoa tầm xuân rụng và mọc lá mới khá nhanh.

Hoa tầm xuân có kích thước khá to, đường kính có thể đạt 10cm. Hoa gồm nhiều cánh mỏng xếp chồng lên nhau toả ra, nhìn tương tự như hoa hồng nhưng cánh mỏng hơn đôi chút. Màu sắc chủ đạo của hoa là màu hồng, có khi đậm hoặc nhạt hơn.

Sau khi hoa tàn, cây cho ra quả, chín có màu cam, đường kính khoảng 2cm.

Về đặc tính, cây tầm xuân sinh trưởng nhanh, ưa sáng, ưa ẩm, chịu hạn tốt, chịu úng kém, nhu cầu dinh dưỡng trung bình. Người ta thường nhân giống bằng cách giâm cành.

Ý nghĩa của hoa tầm xuân

Không chỉ đẹp, hoa tầm xuân còn là một loài hoa mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Cụ thể, loài hoa này đại diện cho tình cảm, tình thân gia đình, sự gắn kết của anh chị em.

Bởi vậy, người ta thường trưng bày cây tầm xuân vào dịp năm mới, với mong muốn cả nhà được đoàn tụ, quây quần bên nhau.

Hoa tầm xuân đại diện cho tình cảm gia đình
Hoa tầm xuân đại diện cho tình cảm gia đình

Công dụng của cây hoa tầm xuân

Với khả năng phát bụi nhanh, nở hoa nhiều và đẹp, hoa tầm xuân được ưa chuộng để trồng làm cảnh ở nhiều nơi, phổ biến nhất là làm cây trang trí sân vườn.

Bạn có thể trồng hoa thành luống, trồng trong bồn để trang trí các khu vực công cộng như công viên, đường phố, khu du lịch nghỉ dưỡng, khuôn viên công ty, trường học, bệnh viện…

Tại nhà, bạn có thể trồng hoa tầm xuân để trang trí sân vườn, leo dọc hàng rào, làm đẹp ban công. Những cây nhỏ bạn có thể trồng trong chậu, trang trí bàn học hay bàn làm việc đều rất đẹp.

Hoa tầm xuân thường được trồng làm cảnh
Hoa tầm xuân thường được trồng làm cảnh

Không chỉ vậy, tầm xuân còn được biết đến là một loại cây rất tốt cho sức khoẻ và có thể chữa bệnh.

Cụ thể trong quả tầm xuân có chứa nhiều vitamin C nên thường được dùng để pha trà, làm siro.

Theo nhiều ghi chép Đông Y, tầm xuân có công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, trừ phong, hoạt huyết, chỉ huyết, giải độc, giảm đau thường dùng để chữa các bệnh như hoàng đản, thủy thũng, lỵ, tiêu khát, ỉa chảy, đái dầm ở trẻ em…

Rất nhiều công dụng tuyệt vời đúng không nào.

Cách trồng và chăm sóc hoa tầm xuân

Hoa tầm xuân nên được trồng mới vào thời điểm mùa xuân, lúc khí hậu vừa bắt đầu ấm áp. Dưới đây là một vài kinh nghiệm bạn có thể tham khảo.

Đất và giống cây trồng

Đất trồng bạn có thể sử dụng đất tại chỗ vì hoa tầm xuân có khả năng thích nghi rất tốt. Sau khi chọn đất, bạn cần trộn thêm với phân chuồng, xơ dừa, mùn trấu, làm sao để đất đảm bảo độ tơi xốp và khả năng thoát nước.

Nếu trồng trong chậu thì hãy chọn chậu có lỗ thoát nước đầy đủ, nếu không cây có thể bị ngập úng.

Về giống cây trồng thì đơn giản hơn, chỉ cần chọn giống từ cây mẹ to khoẻ, lâu năm, không có dấu hiệu sâu bệnh là được.

Nhân giống và trồng

Cách nhân giống hoa tầm xuân phổ biến nhất hiện nay là giâm cành, bởi cây con dễ sống, sinh trưởng nhanh.

Từ cây mẹ, bạn chọn ra cành khoẻ mạnh, mập mạp, sau đó cắt đoạn khoảng 20cm, có 2 – 3 nhánh lá. Vắt chéo gốc, cắt bớt lá để tránh thoát nước, sau đó nhúng cành vào dung dịch kích rễ và cắm vào luống đất hay chậu đã chuẩn bị từ trước.

Khí cắm nhớ nghiêng cành khoảng 45 độ, sâu 5cm, nén đất chặt sau đó tưới nước để duy trì độ ẩm cho đất.

Đặt cây ở nơi thoáng mát, che chắn mỗi khi nắng quá gắt, chỉ sau khoảng 1 tuần là cành sẽ bén rễ và sinh trưởng như cây mới. Bạn nhớ dựng cọc để cây bám và leo dàn tốt hơn nhé.

Giâm cành giúp cây sinh trưởng nhanh hơn
Giâm cành giúp cây sinh trưởng nhanh hơn

Tưới nước

Nhu cầu nước của hoa tầm xuân không cao, chịu úng lại kém, do đó bạn không nên tưới quá nhiều. Nếu thời tiết đẹp thì mỗi tuần chỉ cần tưới 2 – 3 lần là đủ. Bạn có thể tăng giảm tần xuất tưới phụ thuộc theo thời tiết.

Mỗi lần tưới nhớ căn lượng nước để không làm cây bị ngập úng nhé.

Ánh sáng

Hoa tầm xuân là loài ưa sáng nên bạn cần trồng cây ở nơi rộng rãi, nhiều ánh sáng chiếu vào. Khi cây lớn thì cần có giàn leo, cột trụ để cây bám vào nhé.

Nếu trồng trong nhà thì nên đặt chậu ở những nơi thoáng và có ánh sáng bán phần như gần cửa sổ hay giếng trời.

Đảm bảo không gian và giàn leo cho hoa phát triển
Đảm bảo không gian và giàn leo cho hoa phát triển

Dinh dưỡng

Với khả năng thích nghi tốt với nhiều loại đất, sống tốt trong môi trường khô cằn, bạn không cần phải bón phân quá nhiều cho hoa tầm xuân.

Khoảng 3 tháng một lần, bạn hoà phân hữu cơ hoặc phân NPK vào nước rồi tưới cho cây, như vậy là đủ. Vào thời điểm cây sắp ra hoa, bạn có thể bón thúc thêm một đợt để hoa nở nhiều và đẹp hơn.

Cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh

Trong quá trình trồng hoa, bạn nhớ thường xuyên dọn cỏ. Khi cây sắp ra hoa thì nên cắt bớt mầm phụ, cành già để dinh dưỡng tập trung vào hoa, giúp hoa nở đẹp hơn.

Ngoài ra, nếu phát hiện cây gặp tình trạng sâu ăn lá, sâu cuốn lá, nấm, rầy thì cần mua thuốc về phun để diệt, không để tình trạng lan rộng.

Trên đây là những thông tin cơ bản về cây hoa tầm xuân, một loài hoa không chỉ đẹp mà còn nhiều ý nghĩa. Hãy tham khảo và tự tay chăm sóc một vài bụi hoa thật đẹp trong vườn nhà nhé.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *