Hoa thanh tú mang vẻ đẹp rất riệng, với sắc xanh độc đáo thu hút ánh nhìn, được nhiều người yêu thích, trồng làm cây cảnh.
Vậy trồng và chăm sóc hoa thanh tú có dễ không?
Để trả lời câu hỏi đó, hãy cùng nhau tìm hiểu đặc điểm và đặc tính sống của cây hoa thanh tú nhé.
Tổng quan về hoa thanh tú
Hoa thanh tú hay hoa bất giao, có tên khoa học là Evolvulus glomeratus, đây là một loài thực vật có hoa trong họ Bìm bìm (Convolvulaceae). Hoa có nguồn gốc từ Nam Mỹ và các khu rừng nhiệt đới, dần được yêu thích và lan ra nhiều khu vực khác.

Đặc điểm bên ngoài, thanh tú là loài cây thân thảo, thân chia làm nhiều cành nhánh, tạo thành bụi um tùm. Chiều cao cây khá khiêm tốn chỉ từ 30cm – 1m, trong tự nhiên có thể cao hơn, thân mọng nước và có màu nâu đỏ.
Lá cây có màu xanh thẫm, dạng lá đơn mọc cách, hình trái xoan hoặc bầu dục thuôn dài. Kích thước lá khá nhỏ, chỉ 3 – 5cm, bề mặt có một lớp lông mịn.
Vẻ đẹp của hoa thanh tú tập trung hết ở phần hoa. Hoa cây thanh tú có màu xanh dương pha tím vô cùng bắt mắt, thu hút ánh nhìn. Hoa mọc từ nách lá, tập trung nhiều ở đầu cành. Mỗi bông hoa gồm 5 cánh mỏng xoe tròn, nhuỵ màu trắng hình ngôi sao.
Thanh tú có thể nở hoa quanh năm, mỗi lần nở, cây phủ lên mình một màu xanh tím vô cùng đẹp mắt.

Về đặc tính sống, hoa thanh tú sống lâu năm, tuổi thọ có thể lên tới 12 năm. Cây có tính thích nghi cao, phù hợp với nhiều môi trường sống, chịu hạn tốt, chịu úng kém.
Cây sinh trưởng tốt nhất trong môi trường nhiều ánh sáng, độ ẩm và dinh dưỡng vừa phải, thường được nhân giống bằng phương pháp giâm cành.
Ý nghĩa của hoa thanh tú
Hoa thanh tú mang sắc xanh tím nhẹ nhàng nhưng vẫn toả lên nét mạnh mẽ, tượng trưng cho sự bình yên, ấm áp. Nhưng không phải vì vậy mà hoa thanh tú thiếu đi nét mạnh mẽ, vững vàng, tượng trưng cho tinh thần lạc quan, vượt qua sóng gió.

Công dụng của cây thanh tú
Mang trong mình vẻ đẹp vừa dịu dàng vừa quyến rũ, hoa thanh tú được nhiều người yêu thích, sử dụng để trồng cảnh tại nhiều khu vực.
Người ta thường trồng hoa thanh tú như một cây công trình để trang trí khuôn viên công cộng, làm đẹp công viên, đường phố, tạo đường viền lối đi.

Đối với nhà riêng, bạn có thể trồng hoa thanh tú để trang trí sân vườn, tiểu cảnh. Trồng một vài cây trong chậu để trang trí ban công, tiền sảnh, giếng trời, phòng khách.
Bạn thậm chí còn có thể giới hạn kích thước cây, trồng trong các chậu để bàn, trang trí bàn làm việc, bàn học, kệ tivi hay cửa sổ.

Không chỉ có tác dụng trang trí, hoa thanh tú mỗi khi nở còn mang lại một cảm giác thư thái, giúp bạn giải toả căng thẳng hiệu quả hơn.
Cách trồng và chăm sóc cây thanh tú
Nhờ phù hợp với khí hậu nhiệt đới, nên việc trồng và chăm sóc hoa thanh tú khá đơn giản, không tốn nhiều công sức.
Đất trồng
Đất trồng hoa thanh tú cần đảm bảo các yếu tố về độ tơi xốp, dinh dưỡng và khả năng thoát nước. Bởi vậy trước khi trồng thì bạn nên pha đất với mùn trấu, xơ dừa và ít phân chuồng.
Nếu trồng trong chậu thì phía đáy phải có lỗ thoát nước, tránh tình trạng cây bị úng rễ.
Nhân giống
Để cây sống khoẻ và phát triển nhanh, bạn nên nhân giống bằng phương pháp giâm cành. Từ cây mẹ to khoẻ, bạn chọn ra một cành mập mạp, không quá già hay quá non sau đó cắt một đoạn khoảng 15cm, có 2 – 3 lá.
Nhúng cành vào dung dịch kích rễ sau đó cắm xuống phần đất đã chuẩn bị từ trước khoảng 3 – 5cm. Nén nhẹ đất cho chặt sau đó tưới nước.
Duy trì lượng nước tưới cho cây đều đặn để duy trì độ ẩm, chỉ sau khoảng 2 tuần là cành sẽ bén rễ và sinh trưởng thành cây mới.

Tưới nước
Hoa thanh tú có nhu cầu nước trung bình, bạn chỉ cần tưới sao để giữ cho đất luôn trong tình trạng có độ ẩm là được.
Khi cây còn nhỏ, nên tưới 1 lần/ngày vào sáng sớm hoặc chiều muộn, khi cây đã lớn hơn thì có thể giảm tần suất xuống còn khoảng 2 – 3 lần/tuần.
Mùa nắng thì tưới nhiều hơn 1 chút, mùa mưa thì tưới ít lại. Vào thời điểm cây sắp ra hoa thì tưới nhiều hơn, khi đã nở hoa thì tưới vào gốc, tránh tưới trực tiếp làm rụng hoa.
Ánh sáng
Là một loài ưa sáng, bạn cần đảm bảo ánh sáng để hoa thanh tú có thể sinh trưởng tốt, nở hoa đẹp. Càng tiếp xúc với ánh sáng nhiều thì hoa nở càng to, màu càng tươi sáng.
Các vị trí trồng cây cần thoáng mát, nếu trồng trong nhà thì nên đặt ở ban công, giếng trời hay các vị trí gần cửa sổ.
Lưu ý khi cây còn nhỏ, sức chống chịu còn yếu thì bạn nên thiết kế lưới che, hạn chế ánh nắng mỗi khi trời nắng to.

Phân bón
Nhờ khả năng thích nghỉ tốt, sinh trưởng mạnh mà bạn không cần phải bón phân quá nhiều cho hoa thanh tú, thay vào đó, hãy chuẩn bị đất trồng thật tốt và thay đất trong chậu mỗi năm.
Ngoài ra, trong thời gian cây mới bén rễ và sắp ra hoa thì bạn nên bón thúc một ít phân NPK để cây phát triển nhanh hay ra hoa đẹp hơn.
Thời điểm cây chuẩn bị ra hoa thì bạn cũng nên tỉa bớt lá để dinh dưỡng tập trung nhiều hơn vào hoa, màu sắc bụi hoa cũng đẹp hơn.
Phòng trừ sâu bệnh
Hoa thanh tú ít khi bị sâu bệnh, thi thoảng có thể gặp tình trạng sâu ăn lá hay rầy, rệp. Nếu phát hiện, bạn liên hệ với đại lý thuốc bảo vệ thực vật sau đó mua đúng loại thuốc về phun là được.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây hoa thanh tú, một loài cây mang vẻ đẹp độc đáo, quyến rũ. Hãy trồng ngay một vài bụi để tô điểm không gian sống của mình nhé.