Thu hải đường không chỉ đẹp mà còn mang nhiều ý nghĩa, bởi vậy mà được trồng rất phổ biến tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Dù cách trồng không quá phức tạp, nhưng để chăm sóc hoa thu hải đường tốt, nở hoa đẹp thì không phải ai cũng nắm rõ.
Cùng tham khảo những thông tin cơ bản về loài hoa này dưới đây nhé.
Tổng quan về cây hoa thu hải đường
Thu hải đường có tên khoa học là Begonia, đây không phải 1 loài mà là một chi thực vật có hoa gồm hơn 1400 loài khác nhau, thuộc họ Thu hải đường (Begoniaceae). Các loài thuộc chi này sống tập trung vào các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới ẩm ướt, tại Nam và Trung Mỹ, châu Phi và miền nam châu Á.

Về đặc điểm, thu hải đường đa số là loài thân thảo, kích thước khá nhỏ, chiều cao chỉ giới hạn ở mức 20 – 50cm. Thân cây có màu hồng nhạt, mọng nước, dễ gãy, chia làm nhiều cành nhánh, phát thành bụi. Phía dưới có thể là rễ hoặc củ tuỳ loại.
Lá cây khá dày, có màu xanh đậm, hình tim với phần đầu hơi nhọn. mặt lá nhẵn, các đường gân nổi rõ, mép lá có răng cưa nhỏ, không sắc.
Hoa thu hải đường nở thành chùm từ 3 – 5 bông. Hoa có loại đơn hoặc kép, hoa đơn thì chỉ có một lớp cánh trong khi hoa kép gồm nhiều lớp cánh xếp chồng, toả đều. Các cánh hoa dày và nhiều màu sắc khá đa dạng như trắng, đỏ, cam, vàng hay hồng… Hoa đơn tính, có cả đực và cái trên cùng một cây.

Sau khi hoa tàn, cây cũng cho ra quả có dạng nang, bên trong có nhiều hạt.
Phổ biến tại Việt Nam hiện nay có các loại thu hải đường như: thu hải đường trường sinh, thu hải đường lá lông, thu hải đường rủ, thu hải đường lá đỏ, thu hải đường gấm.
Về đặc tính sống, thu hải đương có tốc độ sinh trưởng trung bình, cây ưa ẩm, ưa bóng, sống tốt trong môi trường sáng bán phần, cây ưa mát mẻ nhưng không chịu được lạnh kéo dài, chịu úng kém.
Có thể nhân giống bằng nhiều cách nhưng phổ biến là gieo củ và giâm cành.
Ý nghĩa của thu hải đường
Làm một chi với rất nhiều loài, kiểu dáng, màu sắc đa dạng, không khó hiểu khi hoa thu hải đường mang trong mình rất nhiều ý nghĩa.
Đầu tiên, hoa thu hải đường đại diện cho tuổi trẻ, tượng trưng cho những người có ý chí tuyết tâm, đầy nhiệt huyết, luôn dũng cảm đương đầu với thử thách, tìm kiếm sự mới mẻ.
Hoa thu hải đường còn tượng trưng cho sự quan tâm, chăm sóc, một lời hỏi thăm sức khoẻ, cuộc sống đến với người được tặng.
Giống như tên gọi, thu hải đường tượng trưng cho vẻ đẹp của mùa thu, là biểu tượng cho tính yêu dịu dàng, lãng mạn.

Ngoài ra, với mỗi màu sắc, hoa lại có một ý nghĩa riêng biệt cho mình:
- Màu cam tượng trưng cho sự hạnh phúc viên mãn
- Màu trắng tượng trưng cho sự ngây thơ tinh khiết
- Màu đỏ tượng trưng sự tình yêu nồng nhiệt
Rất nhiều ý nghĩa tuyệt vời đúng không nào.
Công dụng hoa thu hải đường là gì?
Như đã thông tin, hoa thu hải đường đa dạng về màu sắc, kiểu dáng nên rất được ưa chuộng để trồng làm cảnh.
Vì là cây ưa mát, ưa bóng nên cây chủ yếu được trồng trong chậu, làm cây trang trí nội thất trong nhà. Các vị trí đặt cây phù hợp nhất là bệ cửa sổ, kệ tivi, bàn học, bàn làm việc hay tiếp khách.
Bạn cũng có thể trồng cây trong chậu treo và trang trí ở ban công, hiên nhà…
Các quán cà phê, nhà hàng hay khách sạn cũng thường chọn những chậu thu hải đường nhỏ xinh để trang trí không gian cho khách.

Ngoài tác dụng làm cảnh, hoa thu hải đường còn được biết đến như một loại dược liệu. Theo ghi chép Đông Y, hoa thu hải đường có vị đắng chua, tính mát, có thể dùng để hoạt huyết, giải độc, làm tan vết bầm, trị đau họng, thanh nhiệt, bổ gan, trị mụn nhọt, làm mát, dễ tiêu, cầm máu, an thần và điều hoà kinh nguyệt…
Cách trồng thu hải đường
Hoa thu hải đường có nhiều cách nhân giống, nhưng phổ biến và mang lại hiệu quả cao nhất vẫn là giâm cành và gieo củ. Dưới đây là một vài bước quan trọng bạn cần nắm rõ.
Chuẩn bị
Đất trồng là yếu tố khá quan trọng, bạn cần đào xới nhiều lần để tăng độ tơi xốp và khả năng thoát nước. Bạn nên trộn đất với xơ dừa, phân chuồng và mùn trấu, như vậy sẽ đảm bảo cả dinh dưỡng nữa.
Về chậu trồng, hãy đảm bảo chậu có kích thước vừa phải, phía dưới phải có lỗ thoát nước đầy đủ bởi cây không chịu được ngập úng.
Nhân giống và trồng
Nhân giống thu hải đường bằng củ:
Để nhân giống bằng củ, sau khi cây già và có dấu hiệu khô héo, bạn đào lên, chọn ra củ to, không bị sâu bệnh.
Sau khi chuẩn bị đất trồng, bạn cho đất vào khoảng 2/3 chậu, tiếp đó đặt củ vào và tiến hành lấp đất lại. Không lấp hết củ mà chừa lại khoảng 1/3 kích thước củ nổi lên trên mặt đất.
Nén đất lại cho hơi chặt rồi tưới nước để duy trì độ ẩm cho đất, giữ chậu ở nơi khô ráo, thoáng mát, có ánh sáng nhẹ. Sau một thời gian thì củ sẽ đâm chồi, khi cây lớn hơn một chút thì bạn có thể chuyển sang chậu có kích thước phù hợp hơn để tiếp tục chăm sóc.
Nhân giống thu hải đường bằng giâm cành:
Phương pháp giâm cành mang lại khá nhiều ưu điểm, vì hoa sinh trưởng và ra hoa nhanh hơn. Từ cây mẹ to khoẻ, bạn chọn ra một cành bánh tẻ mập mạp, không sâu bệnh. Cắt một đoạn khoảng 15cm, có 2 – 3 cặp lá.
Cắt bớt diện tích phần lá để tránh mất nước, sau đó nhúng cành vào dung dịch kích rễ và cắm vào phần đất đã chuẩn bị từ trước.
Tưới nước để giữ ẩm cho chậu, đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, ánh sáng nhẹ, sau khoảng 2 – 3 tuần là cành sẽ bén rễ và phát triển thành cây mới.

Cách chăm sóc hoa thu hải đường
Tuy cách trồng không hề khó, nhưng quá trình chăm sóc hoa thu hải đường lại yêu cầu nhiều kinh nghiệm hơn, bởi loài hoa này khá khó tính.
Tưới nước
Bạn nên tưới theo kiểu phun sương cho hoa để đất không bị tổn hại và giữ ẩm cho lá, tránh bị rụng lá nhiều.
Vì cây chủ yếu sống trong mát nên tần suất tưới không cần nhiều, khoảng 2 lần mỗi tuần là đủ.
Đặc biệt chú ý lượng nước tưới, chỉ tưới đủ làm ẩm đất, nếu sau 15 phút mà thấy đất vẫn còn quá ướt, sũng nước thì bạn đã tưới nhiều và phải tìm cách thoát nước ngay.
Tần suất tưới nước cho hoa có thể tăng giảm tuỳ theo thời tiết và nhiệt độ trong ngày.
Ánh sáng và nhiệt độ
Hoa thu hải đường không ưa sáng mà phù hợp với ánh sáng bán phần, thích bóng râm nhiều hơn, do đó bạn nên trồng cây ở những nơi có mái che. Vị trí tốt nhất để đặt cây ở dưới ban công hay bên cạnh cửa sổ, bởi quá thiếu sáng thì hoa sẽ ít nở, nở không đẹp.
Nhiệt độ tốt nhất để hoa phát triển rơi vào khoản từ 20 – 28 độ C.

Dinh dưỡng
Nhu cầu dinh dưỡng của hoa thu hải đường không quá cao, bạn cứ định kỳ 2 tháng 1 lần bón phân cho cây.
Cách bón cũng khá đơn giản, cứ hoà phân chuồng, phân NPK chung với nước và tưới trực tiếp vào đất, như vậy cây sẽ dễ hấp thu hơn.
Cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh
Trong quá trình chăm sóc, hãy thường xuyên quan sát, nếu nhận thấy hoa héo, cành lá già úa thì nên cắt bỏ ngay để dồn dinh dưỡng cho mầm mới.
Các bệnh thường gặp trên cây hoa thu hải đường có thể kể đến như rệp, nấm… bạn ra đại lý thuốc bảo vệ thực vật, nhờ tư vấn và mua thuốc về phun là được.
Hy vọng với những thông tin ở trên, bạn đã nắm rõ hơn về cách trồng và chăm sóc hoa thu hải đường để có thể tự tay trồng, trang trí trong nhà của mình.