Hoa thược dược – cách chăm sóc cho hoa đẹp dịp Tết

Hoa thược dược là một trong những loài hoa được ưa chuộng nhất, bởi có thể trang trí ở nhiều vị trí, mục đích khác nhau.

Cách trồng và chăm sóc hoa thược dược cũng không hề khó. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu thì đừng bỏ qua những thông tin dưới đây.

Đặc điểm hoa thược dược

Hoa thược dược không phải một loài, mà là một chi thực vật có tên khoa học là Dahlia, thuộc họ Cúc (Asteraceae), một họ khá đa dạng với nhiều loài hoa như hoa cúc, hoa thạch thảo, hoa xuyến chi. Hoa có nguồn gốc từ Mexico và là quốc hoa của nước này.

Hoa thược dược
Hoa thược dược

Về đặc điểm, thược dược là loài thân thảo có củ, chiều cao trung bình khoảng 0.5 – 1.5m, hiện nay, nhiều giống hoa lai tạo với mục đích trang trí chỉ cao khoảng 20 – 40cm.

Thược dược có thân mọc thẳng, phân làm nhiều cành nhánh, lá mọc dọc cành.

Lá cây có hình bầu dục nhọn dần ở 2 đầu, dài khoảng 8 – 10cm, màu xanh đậm, bề mặt lá nhẵn, viền có răng cưa.

Hoa thược dược có hình tròn với đường kính khoảng 8 – 10cm, nụ hoa khi chưa nở thì khoảng 2cm. Hoa là tập hợp của nhiều lớp cánh hoa xếp chồng lên nhau, toả ra xung quanh. Kiểu xếp cánh thược dược có loại cánh rối, có loại như tổ ong, có loại cánh hoa như bị xé nhỏ.

Một điểm nổi bật nữa của hoa thược dược chính là màu sắc, tuỳ vào loài mà hoa có nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, tím, vàng, hồng và trắng… rất đa dạng.

Màu sắc hoa thược dược khá đa dạng
Màu sắc hoa thược dược khá đa dạng

Về đặc tính sống, hoa thược dược sống lâu năm, có khả năng thích nghi tốt, phù hợp với nhiều loại đất, thời tiết khác nhau. Cây ưa ẩm, ưa sáng, chịu úng kém, nhân giống bằng nhiều cách như giâm cành, gieo củ.

Công dụng của hoa thược dược

Hoa thược dược từ lâu đã nổi tiếng với vẻ đẹp quyến rũ và đa dạng, bởi vậy mà được ưa chuộng và trồng làm cảnh ở nhiều nơi.

Bạn có thể trồng làm cây công trình ở các khu vực công cộng, không gian lớn như công viên, khu du lịch nghỉ dưỡng, khuôn viên nhà hàng, khách sạn, quán cà phê để làm đẹp cảnh quan.

Hoa thược dược cũng có thể trồng thành bụi nhỏ, trồng trong chậu để trang trí sân vườn, ban công, tiểu cảnh.

Mỗi khi cây ra hoa, bạn có thể cắt để cắm trong bình, trang trí bàn học, bàn làm việc, bàn ăn, kệ tivi hay trang trí trong những dịp lễ đặc biệt như Tết.

Bình hoa thược dược khoe sắc
Bình hoa thược dược khoe sắc

Ngắm nhìn những bông hoa thược dược khoe sắc cũng là một cách đơn giản và tuyệt vời để giải toả căng thẳng. Hoa thược dược còn có khả năng loại bỏ bụi bẩn rất hiệu quả đấy.

Ý nghĩa ẩn chứa trong hoa thược dược

Trong phong thuỷ, hoa thược dược tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc, sự viên mãn. Trong chuyện tình cảm, hoa thược dược tượng trưng cho niềm hạnh phúc, sự thuỷ chung.

Bởi vậy mà nhiều người thường trang trí hoa thược dược trong lễ cưới, tân gia hay lễ Tết để cầu mong hạnh phúc, tài lộc hay một năm mới nhiều thuận lợi.

Thược dược là loài hoa mang nhiều ý nghĩa
Thược dược là loài hoa mang nhiều ý nghĩa

Không chỉ vậy, mỗi màu của hoa thược dược cũng mang trong mình một ý nghĩa riêng.

  • Hoa thược dược đỏ hay hồng: tương trưng cho tinh thần nhiệt huyết, cho tình yêu ngọt ngào mãnh liệt.
  • Hoa thược dược vàng: tượng trưng cho giàu sang, phú quý, mang đến may mắn, thịnh vượng.
  • Hoa thược dược trắng: tượng trưng cho sự trong sáng, thuần khiết, dịu dàng.
  • Hoa thược dược tím: tượng trưng cho tình cảm son sắt thuỷ chung, không vụ lợi.
  • Hoa thược dược xanh: tượng trưng cho niềm hy vọng, mong muốn vào một tương lai tươi sáng.

Cách trồng hoa thược dược

Là một loài cây có khả năng thích nghi tốt, quá trình nhân giống và trồng hoa thược dược không có gì quá phức tạp. Dưới đây là một vài bước chính.

Chuẩn bị đất trồng

Bạn hoàn toàn có thể lấy đất tại chỗ để trồng hoa thược dược. Trước khi nhân giống thì có thể trộn đất với phân chuồng, mùn trấu, xơ dừa để tăng dinh dưỡng và độ tơi xốp.

Nếu trồng trong chậu thì phía đáy chậu cần có lỗ để thoát nước vì cây không chịu được ngập úng. Ban đầu chỉ nên chọn chậu nhỏ, sau đó khi cây lớn hơn thì bạn có thể chuyển ra chậu có kích thước phù hợp hơn.

Nhân giống

Thời điểm tốt nhất để trồng hoa thược dược là vào lúc bắt đầu mùa ấm. Vì thời tiết ở nước ta khá đa dạng tuỳ địa phương nên bạn cứ canh thời điểm vừa hết mùa lạnh để trồng cây là được.

Nhân giống bằng củ:

Chuẩn bị củ to khoẻ, không có dấu hiệu sâu bệnh, tiếp đó đào hố gieo sâu khoảng 15 – 20cm. Nếu trồng số lượng lớn ra đất thì cần tạo hàng, trồng cây cách cây ít nhất 20cm.

Đào hố xong thì đặt củ thược dược vào, lấp bên trên củ một lớp đất khoảng 6cm, tưới nước để duy trì độ ẩm cho tới khi củ nảy mầm.

Lúc này, cứ mỗi khi cây cao lên một chút thì bạn lại lấp thêm đất, cho tới khi cây vươn lên khỏi mặt đất thì dừng.

Neo giữ và tạo lưới che nếu cần, sau đó tiếp tục chăm sóc cho hoa phát triển.

Nhân giống bằng giâm cành:

Phương pháp giâm cành có ưu điểm là cây con dễ sống, sinh trưởng tốt hơn, nhờ đó mà thời gian ra hoa cũng sớm hơn.

Đầu tiên, chọn từ cây mẹ những cành khoẻ mạnh, không quá non hay quá già, sau đó cắt một đoạn tầm 10cm, có 2 – 3 lá.

Cắt xong bạn nhúng cành vào dung dịch kích rễ rồi cắm vào phần đất đã chuẩn bị từ trước. Cắm sâu tầm 2 – 3cm, nén nhẹ để cố định cành rồi tưới nước giữ ẩm cho đất, chỉ sau khoảng 2 – 3 tuần là cành sẽ bén rễ và sinh trưởng tốt.

Nhân giống hoa thược dược
Nhân giống hoa thược dược

Cách chăm sóc hoa thược dược

Sau khi trồng hoa, bạn cũng cần tiếp tục chăm sóc để hoa thược dược sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh và ra hoa đúng thời điểm.

Tưới nước

Nhu cầu nước của hoa thược dược ở mức trung bình, nghĩa là bạn chỉ cần duy trì cho đất không quá khô. Vào mùa hè, trời nắng nóng thì bạn nên tưới mỗi ngày 1 lần vào sáng sớm hoặc chiều tối, còn nếu trời không quá khô hạn thì mỗi tuần tưới 2 – 3 lần là được.

Ánh sáng

Thược dược là loài hoa ưa sáng, tiếp xúc với ánh sáng đầy đủ thìa hoa mới sinh trưởng nhanh, khi nở có màu sắc tươi sáng.

Địa điểm trồng hoa phải thoáng mát, có ánh sáng trực tiếp. Khi cây còn nhỏ, sức chống chịu còn yếu thì bạn có thể tạo lưới che để hạn chế bớt ánh sáng mỗi khi nắng gắt.

Màu hoa tươi sáng hơn khi tiếp xúc với nhiều ánh sáng
Màu hoa tươi sáng hơn khi tiếp xúc với nhiều ánh sáng

Dinh dưỡng

Sau khi nhân giống và cây bắt đầu mọc mầm, bạn bón cho cây một ít phần NPK, sau đó cứ định kỳ 2 tháng bạn bón một lần, số lượng không cần nhiều.

Vào thời điểm hoa thược dược bắt đầu ra nụ thì bạn bón thúc thêm một đợt nữa để hoa nở nhiều và đẹp.

Cắt tỉa và phòng trừ sâu bệnh

Trong quá trình chăm sóc, không để hoa phân quá nhiều cành nhanh, như vậy dinh dưỡng sẽ không thể tập trung nuôi hoa. Tốt nhất chỉ để cây có 3 nhánh trở xuống. Vào thời điểm cây sắp ra hoa có thể tỉa bớt lá để hoa phát triển tốt hơn.

Hoa thược dược đôi khi sẽ gặp phải tình trạng rầy nấm hoặc sâu ăn lá, lúc này bạn chỉ cần tham khảo các đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật, mua các loại thuốc đặc trị để diệt trừ là được.

Trên đây là những thông tin cơ bản về cây hoa thược dược, qua đó sẽ giúp bạn có thể trồng và chăm sóc hoa thược dược hiệu quả hơn.

Chúc bạn thành công.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *