Các loại hoa trà, trà my – ý nghĩa và công dụng có thể bạn chưa biết

Hoa trà hay hoa trà my mang vẻ đẹp rất thu hút, được nhiều người chơi cây cảnh yêu thích và chăm sóc.

Không chỉ vậy, hoa trà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa và mang lại nhiều công dụng trong đời sống.

Cùng tìm hiểu kĩ hơn qua những thông tin dưới đây nhé.

Đặc điểm hoa trà, hoa trà my

Hoa trà hay hoa trà my có tên khoa học là Camellia japonica, thuộc chi chè (Camellia), họ Chè (Theaceae), chung họ với hoa sơn trà. Cây còn có nhiều tên gọi khác như hoa trà Nhật Bản, hoa hồng trà, hoa bạch trà, trà hoa, hoa trà my ngũ sắc.

Hoa trà hay hoa trà my
Hoa trà hay hoa trà my

Loài hoa này có nguồn gốc từ những quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, sau đó được yêu thích mà phổ biến ra nhiều nước khác.

Về đặc điểm, hoa trà là loài thân gỗ, thân chia làm nhiều cành nhánh xum xuê, mọc thành bụi với chiều cao trung bình từ 1 – 3m. Cây sống lâu năm nên trong điều kiện lý tưởng kích thước có thể cao lớn hơn nhiều.

Lá mọc đối xứng trực tiếp từ cành với cuống ngắn, lá có hình trái xoan, nhọn ở đầu, màu xanh thẫm, mép lá có răng cưa nông, bề mặt bóng, gân nổi rõ.

Hoa trà my có hình dáng khá giống hoa hồng với nhiều cánh hoa dày đan xen thành nhiều tầng đẹp mắt. Hoa trà được lai tạo nhiều nên có rất nhiều màu sắc đa dạng như hồng, đỏ, vàng, trắng…

Tuy có màu sắc và hình dáng đẹp mắt nhưng hoa trà lại ít thơm. Hoa thường nở từ tháng 12 đến tháng 4, mỗi lần nở kéo dài từ 2 – 3 tuần.

Hoa trà khá giống với hoa hồng
Hoa trà khá giống với hoa hồng

Về đặc tính sinh học, hoa trà là loài ưa sáng, phù hợp với nhiều loại đất, chịu hạn tốt, chịu úng kém, ít bị sâu bệnh.

Các loại hoa trà phổ biến hiện nay

Như đã thông tin, nhờ quá trình lai tạo mà hiện nay có nhiều loại hoa trà với nhiều màu sắc đa dạng khác nhau. Cùng tìm hiểu một vài loại hoa trà được yêu thích hiện nay nhé.

Trà đỏ Nhật Bản

Hình dáng cành lá của trà đỏ Nhật Bản tương đối giống cây chè với cành lá xum xuê, lá dày màu xanh thẫm có răng cưa. Hoa trà đỏ Nhật Bản có màu đỏ, cuống ngắn và sát với cành, tràng hoa gồm nhiều cánh xếp thành nhiều tầng vô cùng đẹp mắt.

Trà đỏ Nhật Bản
Trà đỏ Nhật Bản

Bạch trà

Hoa bạch trà có nhiều đặc điểm của hoa trà nói chung, chiều cao tầm 1 – 3m, sống lâu năm. Điểm đặc biệt của hoa bạch trà chính là kích cỡ hoa khá to, từ 6 – 13cm và có màu trắng vô cùng đẹp mắt, mang lại vẻ đẹp thuần khiết, mùi hương cũng nổi bật hơn các loại hoa trà khác.

Bạch trà
Bạch trà

Trà hoa vàng

Trà hoa vàng có phiến lá thon dài hơn so với các loại hoa trà khác, mọc đơn, ngoài ra thì các đặc điểm khác gần như khá tương đồng.

Giống như tên gọi, loài hoa này có màu vàng đặc trưng, được tạo thành từ 8 -10 cánh xòe đều trên cuống lá ngắn, bên trong là 3 – 4 vòi nhụy, kích thước hoa chỉ khoảng 5cm.

Trà hoa vàng
Trà hoa vàng

Trà cung đình

Lá hoa trà cung đình có hình thoi, cũng có màu xanh thẫm và răng cưa nông như các loại khác. Trà cung đình có hoa màu hồng phấn, mang lại vẻ đẹp dịu dàng, nhẹ nhàng. Cánh hoa mọc đều nhau, xếp chồng tạo thành nhiều lớp hoa bắt mắt.

Trà cung đình
Trà cung đình

Trà lựu

Kích thước cây và hình dáng lá của trà lựu không có gì quá khác biệt. Hoa của trà lựu thì có đầu cánh hoa hơi nhọn chứ không tròn như các loại khác. Các cánh hoa có màu đỏ, xếp chồng và hơi khum vào trong chứ không xòe rộng.

Trà lựu
Trà lựu

Trà thâm

Hoa trà thâm có màu đỏ thẫm, các lớp cành đan xen xếp chồng lên nhau 8 lần, bởi vậy mà nhiều nơi trà thâm còn có tên gọi là hoa trà thâm bát diện nghĩa là 8 mặt.

Trà thâm
Trà thâm

Ý nghĩa hoa trà

Là một loài hoa sống lâu năm, chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt, lại nở hoa vào mùa đông, hoa trà đại diện cho sự dẻo dai, sức sống mãnh liệt, sẵn sàng đương đầu với khó khăn.

Ngoài ra, mỗi màu sắc của hoa trà lại có một ý nghĩa riêng.

  • Hoa trà đỏ: mang trong mình biểu tượng của tình yêu cuồng nhiệt, say đắm, ngoài ra màu đỏ còn là biểu tượng cho sự hành phúc, tinh thần lạc quan yêu đời, nhiều sức sống.
  • Hoa trà trắng: thể hiển một tâm hồn trong sáng, thánh thiện. Loài hoa này đại diện cho vẻ đẹp của người con gái thuở ngây thơ hay tượng trưng cho tình cảm gia đình.
  • Hoa trà hồng: mang ý nghĩa của sự nhớ nhung, là loài hoa được dùng để thể hiện với đối phương tình cảm chân thành của mình, lời hứa cùng nhau hướng tới những điều đẹp đẽ.
Tùy màu sắc mà hoa trà có những ý nghĩa khác nhau
Tùy màu sắc mà hoa trà có những ý nghĩa khác nhau

Công dụng của hoa trà my

Với dáng vẻ um tùm, hoa có kích thước lớn và nhiều màu sắc, cây hoa trà my thường được ưa chuộng để trồng làm cây cảnh sân vườn.

Bạn có thể trồng cây trong chậu, đặt ở sân vườn, ban công để trang trí. Nhưng thường thấy nhất là người ta trồng hoa trà my dọc theo hàng rào, lối đi để tận dụng sự rậm rạp của bụi cây.

Hoa trà my thường được trồng làm cây cảnh sân vườn
Hoa trà my thường được trồng làm cây cảnh sân vườn

Không chỉ làm cảnh hoa trà my còn mang tới khả năng ngăn chặn bụi bẩn, thanh lọc không khí vô cùng hiệu quả.

Ngoài làm cảnh, cây hoa trà còn được biết đến như một loại thức uống, mang lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như tăng sức đề kháng, làm đẹp, bảo vệ tim mạch, cân bằng huyết áp, ngăn ngừa ung thư…

Cách trồng và chăm sóc cây hoa trà my

Nhân giống và trồng cây hoa trà my

Để nhân giống cây hoa trà thì có nhiều phương pháp như gieo hạt, chiết cành, giâm cành… trong đó thì phương pháp giâm cành được lựa chọn nhiều vì dễ thực hiện, cây con lại phát triển nhanh.

Từ 1 cây mẹ khỏe mạnh, bạn chọn cành bánh tẻ, chắc khỏe, không sâu bệnh, sau đó cắt một đoạn khoảng 5 – 10cm, tỉa bớt lá nếu có.

Tiếp đó ta ngâm cành giống vào nước có pha dung dịch kích rễ khoảng vài tiếng để cành dễ bén rễ hơn.

Giâm cành hoa trà
Giâm cành hoa trà

Đất trồng có thể chọn đất vườn, pha thêm ít xơ dừa, mùn trấu và phân chuồng hoại mục để bổ sung độ tơi xốp và dinh dưỡng.

Sau khi chuẩn bị xong đất trồng, bạn chỉ cần chọc 1 lỗ nhỏ, cắm cành xuống và lấp đất lại, nén chặt. Tưới nước để làm ẩm đất, che chắn cẩn thẩn nếu trồng ngoài trời để tránh nắng gắt.

Tưới nước hàng ngày vào sáng sớm, chỉ vài ngày là cành sẽ bén rễ và sinh trưởng như một cây con.

Cách chăm sóc hoa trà my

Dù cây hoa trà my phù hợp với nhiều môi trường khác nhau, kể cả môi trường khắc nghiệt, nhưng để có một bụi hoa trà my đẹp, nở nhiều hoa thì bạn cũng cần chú ý một chụt trong quá trình chăm sóc.

Ánh sáng:

Là loài ưa sáng, bạn nên trồng hoa trà my ở những nơi rộng rãi, thoáng mát, tốt nhất là ở ngoài sân vườn, hàng rào, lối đi. Việc tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên sẽ giúp màu sắc của lá và hoa trở nên nổi bật hơn.

Nếu trồng cây trong chậu nhỏ đặt trong nhà, thì mỗi tuần bạn nên mang chậu ra ngoài trời khoảng vài tiếng để kích thích cây quang hợp.

Tưới nước:

Là loài ưa ẩm bạn nên đảm bảo độ ẩm trong đất đủ để cây sống tốt. Nhìn chung bạn nên tưới đều đặn hàng ngày cho cây vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, tránh tưới khi trời nắng gắt.

Tần suất tưới có thể tăng hoặc giảm tùy vào thời tiết, nắng thì tưới 2 lần, mưa thì không cần tưới.

Đảm bảo ánh sáng và nước tưới cho cây hoa trà
Đảm bảo ánh sáng và nước tưới cho cây hoa trà

Dinh dưỡng:

Vào thời gian đầu, bạn nên duy trì việc bón phân cho hoa khoảng 1 – 2 tháng 1 lần để bổ sung dinh dưỡng cho hoa. Bạn có thể chọn phân hữu cơ, phân chuồng hoại mục hoặc phân NPK, bón xa gốc, bón xong thì tưới nước để cây dễ hấp thu.

Khi cây đã phát bụi lớn, có thể tự sống tốt thì 3 – 4 tháng mới cần bón phân một lần, vào thời điểm cây sắp ra hoa.

Phòng trừ sâu bệnh:

Một vài bệnh mà hoa trà my có thể mắc phải như vàng lá, thối lá thì bạn cần thường xuyên quan sát và loại bỏ bằng tay.

Nếu gặp phải tình trạng sâu bọ, rệp ăn lá thì cần mua thuốc bảo vệ thực vật về phun để tránh tình trạng bệnh lan rộng nhé.

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong những thông tin về các loại hoa trà rồi. Hy vọng qua đây bạn đã có cái nhìn chi tiết hơn về loài hoa tuyệt đẹp và nhiều ý nghĩa này.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *