Được mệnh danh là nữ hoàng của hoa lan, lan Cattleya là một trong những loại lan ngoại nhập được yêu thích tại Việt Nam.
Nếu bạn là một người yêu phong lan và muốn có một chậu lan Cattleya cho riêng mình thì những thông tin dưới đây là không thể bỏ qua.
Tổng quan về lan Cattleya
Lan Cattleya còn được gọi là Cát lan hay lan Hoàng hậu, có tên khoa học là Cattleya, đây là một chi thực vật gồm khoảng 113 loài thuộc họ Lan (Orchidaceae), chung họ với lan vũ nữ hay hoàng thảo tam bảo sắc. Loài này có nguồn gốc từ vùng Nam Mỹ, sau đó được lai tạo và du nhập vào nhiều nước khác.

Về đặc điểm, lan Cattleya là loài sống phụ sinh trên các thân cây gỗ lớn, màu sắc của thân và lá thường biến đổi cho phù hợp với cây chủ.
Lan Cattleya là loài đa thân, thân mập và ngắn, rễ chùm với các sợi rễ nhỏ vươn dài. Thân cây có nhiều hành giả, từ đó mọc ra 1 – 2 lá, hoa sẽ nở theo chùm và mọc ra từ chính giữa. Hoa lan Cattleya có thể ra 2 – 4 bông hoa, nhưng có loại chỉ ra 1 bông duy nhất, to và rực rỡ.
Đường kính hoa của lan Cattleya có thể lên tới 15 – 20cm, gồm 3 – 4 cánh hoa mềm mại xòe đều ra xung quanh, màu sắc cũng rất đa dạng nhờ số loài phong phú.

Về sinh trưởng, hoa Cattleya là loài sinh trưởng nhanh, ưa sáng nhẹ, ưa ẩm, nhân giống bằng cách tách các hành giả.
Các loại lan Cattleya
Như đã thông tin, chi Cát lan là một chi gồm hơn 100 loài đa dạng khác nhau, do đó chúng ta dựa vào nhiều đặc điểm để phân biệt, chủ yếu là theo nguồn gốc và thân lá.
Phân loại cát lan theo nguồn gốc
Theo nguồn gốc, lan Cattleya có thể được chia làm 2 loại là lan tự nhiên và lan công nghiệp.
Trong đó, lan tự nhiên là loài sinh trưởng tự nhiên trong các khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ, một số loài còn tự lai tạo trong tự nhiên mà không cần sự can thiệp, những loài này thường được dùng để nhân giống bởi thích nghi tốt với nhiều môi trường, sinh trưởng nhanh, hoa đẹp, màu sắc đa dạng.
Ngược lại, lan công nghiệp là loại cát lan được con người nhân giống chủ động, lai tạo từ nhiều loài khác nhau để cho vẻ đẹp mới lạ. Ưu điểm của loại lan này là có thể chủ động kích thước, màu sắc của thân hay hoa.

Phân loại cát lan theo hình thái
Về hình thái, lan Cattleya cũng có thể chia làm 2 loại là 1 lá và 2 lá.
Cattleya 1 lá là loại mà trên giả hành chỉ mọc ra một lá duy nhất, dài tầm 20cm và rộng 7cm, lá màu xanh đậm và dày. Thân cây thường cao từ 10 – 30cm, mỗi khi nở hoa, cây thường chỉ cho ra một bông duy nhất trên một giả hành, hoa rất to với đường kính có thể lên tới 20cm. Một vài loài lan Cattleya 1 lá điển hình có thể kể tới như Cattleya bạch ngọc, Cattleya vàng lưỡi đỏ, Cattleya đỏ…
Cattleya 2 lá thì trên hành giả sẽ mọc 2 lá, kích thước của thân, lá và hoa của loại này thường nhỏ hơn so với loại Cattleya 1 lá. Ngoài ra, loại lan này thường nở hoa theo chùm, mỗi chùm từ 4 – 7 bông với đường kính tầm 10 – 15cm. Một vài loài Cattleya 2 lá phổ biến hiện nay có thể kể tới như Cattleya mini cam, Cattleya skinneri…
Cách trồng lan Cattleya
Việc nhân giống và trồng lan Cattleya luôn là điều mà nhiều người quan tâm, dưới đây là các bước cơ bản để bạn có thể tự nhân giống một chậu lan cho riêng mình.
Chuẩn bị giá thể
Giá thể trồng lan cần đảm bảo yêu cầu về sự thông thoáng, giữ ẩm tốt nhưng vẫn có khả năng thoát nước. Tốt nhất là bạn dùng than củi, xơ dừa, vỏ thông để làm giá thể.
Chậu trồng cũng là một yếu tố quan trọng, chậu không được quá lớn, dễ gây thoát ẩm. Bạn nên dùng chậu đất nung, chậu gỗ, đường kính từ 15 – 20cm là phù hợp, dọc chậu có lỗ thoát nước, phía trên có dây treo.
Chuẩn bị giống
Từ cây mẹ, bạn cần tách giống lan thành nhiều hướng, 2 – 3 thân mỗi hướng. Thân tách cần to khỏe, màu xanh đậm, tép to, không có dấu hiệu sâu bệnh.
Sau khi cắt xong, bạn bôi keo liền sẹo và để ở nơi mát mẻ, khô thoáng khoảng 3 ngày.
Tiếp đó ngâm lan giống trong thuốc khử trùng khoảng 10 phút rồi vớt ra để ráo. Ngâm tiếp vào thuốc trị nấm 10 phút, rồi để ráo tiếp.
3 ngày sau là có thể mang giống lan Cattleya đi trồng.
Trồng lan Cattleya
Gắn móc treo vào chậu trước để sau đó cố định giả hành tốt hơn. Tiếp đó bạn cho các giá thể như than củi, xơ dừa vào chậu, đặt lần lượt giá thể to trước, giá thể nhỏ sau, cách miệng chậu tầm 2cm thì dừng.
Đặt lan giống vào một bên mép chậu, hướng phần mắt ngủ vào phía trong, cố định giả hành vào móc treo bằng dây. Cuối cùng, bạn tưới đẫm nước vào giá thể ở lần đầu tiên, tiếp tục tưới để duy trì độ ẩm khi nào thấy giá thể khô.
Định kỳ 2 lần mỗi tuần, bạn tưới vitamin B1 cho đến khí cây ra rễ bám đều vào gốc.

Cách chăm sóc lan Cattleya
Nhân giống xong, nếu muốn hoa lan Cattleya sinh trưởng tốt và ra hoa đẹp, bạn không được lơ là trong quá trình chăm sóc. Dưới đây là một vài lưu ý chính mà bạn có thể tham khảo qua.
Ánh sáng
Là một loài sống bám vào cây lớn trong tự nhiên, hoa lan Cattleya ưa ánh sáng nhẹ, gián tiếp. Do đó bạn nên làm giàn lưới để che chắn cho lan để đề phòng những lúc nắng gắt.
Vị trí đặt cây cần thông thoáng để cây nhận đủ ánh sáng tự nhiên. Nếu thấy lá cây vàng, cháy thì cây có thể bị thừa sáng, ngược lại nếu lá cây quá xanh, yếu đuối thì có nghĩa là bị thiếu sáng.

Tưới nước
Là loài ưa ẩm và chịu úng kém, bạn cần duy trì độ ẩm cho giá thể đúng cách. Tần suất tốt nhất là tưới cho lan 2 ngày 1 lần, khi tưới chỉ cần đủ ẩm là dừng, không tưới nhiều gây úng rễ.
Tránh tưới vào ngọn cây hay những thời điểm trời nắng nóng, dễ gây sốc nhiệt.
Nhiệt độ
Hoa lan Cattleya sinh trưởng tốt nhất vào mức nhiệt độ từ 16 – 21 độ C, tuy vậy thì nếu biên độ nhiệt lớn hơn cây vẫn có thể sinh trưởng được nhờ khả năng thích nghi tốt, dù vậy hoa sẽ không to và đẹp so với điều kiện lý tưởng.
Dinh dưỡng
Để bổ sung dinh dưỡng cho lan Cattleya, bạn có thể sử dụng các loại phân vô cơ. Hòa phân bón vào nước với tỉ lệ 1 thìa cà phê/4 lít nước, tưới định kỳ 1 – 2 lần mỗi tuần là đủ để cho lan phát triển khỏe mạnh.
Vào thời điểm cây sắp ra hoa, bạn có thể bổ sung thêm dinh dưỡng cho hoa bằng các loại phân trùn quế.
Thay chậu
Vì là loài sinh trưởng nhanh nên bạn cần thay chậu đúng thời điểm để lan Cattleya có đủ không gian để phát triển, thường thì khoảng 2 năm 1 lần.
Đầu tiên bạn chuẩn bị chậu nước có pha thuốc ngừa rêu sau đó ngâm cả chậu hoa vào thay nước khoảng 1 tiếng để rễ lỏng, dễ bóc tách.
Cắt bỏ hết những cành lá, rễ hư thối, rễ dài thì cắt chừa lại 1 đoạn tầm 10 – 15cm.
Chuyển cây lan Cattleya sang chậu mới, cố định như khi trồng mới, phun thuốc kích thích ra rễ và để ở nơi khô ráo, thoáng mát trong 1 tuần là cây sẽ bén rễ mới.

Kích thích lan Cattleya ra hoa
Để đủ điều kiện ra hoa, cây cân đạt độ cứng về thể chất, cùng với đó là già dặn về tuổi, môi trường sống thích hợp.
Nếu muốn lan Cattleya ra hoa đúng thời điểm, bạn cần chuẩn bị trong thời gian dài. Đầu tiên là sử dụng phân bón ít đạm và tưới để lan có sự cứng cáp. Duy trì trong 2 tháng thì dừng, sau đó tưới nước ít lại và tăng sáng thì lan sẽ dễ ra hoa hơn.
Sau khi hoa tàn, bạn cần dùng phân bón lá dưỡng để cây phục hồi.
Cho lan Cattleya nghỉ
Đối với lan Cattleya, bạn nên có một khoảng thời gian 1 tháng để cho hoa nghỉ ngơi, gọi là mùa nghỉ. Thường thì thời điểm này diễn ra vào tháng 1 ở miền Bắc và tháng 4 ở miền Nam.
Lúc này, bạn giảm lượng nước tưới, tăng độ che sáng lên thêm khoảng 10%, đồng thời cố gắng giữ nhiệt độ ở mức thấp, vùng lạnh khoảng 10 độ và vùng nóng khoảng 25 độ.
Phòng trừ sâu bệnh
Dù chăm sóc tốt đến đâu thì cũng không tránh khỏi việc lan Cattleya bị sâu bệnh tấn công, do đó giải pháp tốt nhất là thường xuyên quan sát kiểm tra để nhanh chóng phát hiện và có biện pháp giải quyết sớm nhất.
Lan Cattleya thường bị rệp, sên, côn trùng tấn công rễ và lá, chủ yếu là do mô itrường quá ẩm, tùy từng loại mà bạn có biện pháp xử lý riêng, nhẹ thì loại bỏ bằng tay, nặng thì mua thuốc về trị.
Ngoài ra, bạn cũng cần đề phòng bệnh thối đọt, thối lá. Giữ vững không gian thoáng mát, ánh sáng phù hợp là có thể khắc phục được.
Trên đây là những thông tin cơ bản về hoa lan Cattleya, hy vọng qua đó bạn đã có cái nhìn chi tiết hơn về lan Cattleya để có thể tự tay trồng và chăm sóc một vài chậu cho riêng mình.