Các loại hoa đào – ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc ngày Tết

Hoa đào là loại cây cảnh quen thuộc với chúng ta vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Loài hoa này không chỉ đẹp mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

Hãy cùng tìm hiểu những thông tin về cây hoa đào dưới đây để có thể chăm sóc hiệu quả hơn, giúp hoa nở đẹp vào đúng dịp Tết và lâu tàn nhé.

Tổng quan về cây hoa đào

Hoa đào có tên khoa học là Prunus persica, là một loài thân gỗ thuộc chi Mận, Mơ (Prunus), họ Hoa Hồng (Rosaceae), thường được trồng để lấy hoa hay quả. Khá bất ngờ khi hoa đào lại có họ hàng với hoa tầm xuân, nhất chi maihoa hồng nhung

Hoa đào
Hoa đào

Cây đào là loài thân hỗ, trong môi trường thích hợp có thể cao tới 5 – 10m. Lá cây có màu xanh thẫm, hình mũi mác, thường dài khoảng 7–15 cm và rộng 2–3 cm, cây thường rụng lá sớm.

Sau khi lá rụng và chuẩn bị ra lá mới, đào sẽ bắt đầu ra hoa, thường là vào khoảng đầu đông tới đầu xuân tùy thời tiết. Hoa đào có 2 dạng là hoa đơn và hoa kép.

Khi nở, hoa đào sẽ xòe rộng các cánh nhỏ và mỏng, phía trong là các cánh nhị màu vàng, đường kính hoa khoảng 3cm. Tùy loài mà hoa đào sẽ có màu sắc khá đa dạng như hồng nhạt, hồng đậm, đỏ, trắng…

Cánh hoa đào mỏng manh, dịu dàng
Cánh hoa đào mỏng manh, dịu dàng

Kích thước của quả đào thường thay đổi tùy theo mục đích khi trồng cây, trồng lấy hoa thì quả nhỏ và ngược lại.

Quả đào tròn, vỏ được phủ một lớp lông tơ mềm mại, bên trong là lớp thịt màu vàng hoặc trắng, ngọt, hạt nằm trong một lớp bọc dạng gỗ cứng.

Về đặc tính sinh học, cây đào có khả năng chịu hạn, chịu rét tốt, ưa sáng và không chịu được ngập úng. Cây có thể nhân giống bằng hạt hoặc giâm cành, ghép cành.

Các loại hoa đào phổ biến hiện nay

Bạch đào

Mang vẻ đẹp rất riêng khi sở hửu màu hoa trắng tinh khôi, thuần khiết với các cánh hoa mỏng, mềm mại. Loài hoa này sẽ tô điểm không gian sống của bạn, giúp trở nên sang trọng, tinh tế.

Đào phai

Đây là loại đào được ưa thích và phổ biến nhất vào dịp Tết, với sắc hồng nhẹ nhàng, tinh tế, cây đào phai sẽ mang lại sự ấm áp cho không gian sống của bạn.

Bích đào

Không giống như đào phai, cây bích đào mang vẻ đẹp quyến rũ, kiêu sa hơn, màu hoa hồng đậm tạo ấn tượng ngay từ lần đầu nhìn thấy.

Bích đào thường được chọn làm trang trí ở bàn tiếp khách hay làm hoa dâng bàn gia tiên trong ngày Tết bởi màu sắc ấn tượng của Bích đào.

Đào má hồng Đà Lạt

Đào má hồng hay còn được gọi là đào lông hay đào vạn trượng. Là loại đào lai, được ghép từ gốc cây đào rừng của Đà Lạt với mầm của các loại hồng đào, liễu đào, bích đào, bạch đào…  Đào lai cho hoa kép có khoảng 25 cánh chụm lại, hoa giữ được lâu, và có mùi thơm đặc trưng.

Đào thất thốn

Đào thất thốn mang vẻ đẹp rất riêng, mỗi nhánh đào chỉ có 7 hoa, mỗi cánh hoa đỏ rực được xếp đan xen tạo nên màu sắc cuốn hút.

Giống đào này không phải dễ trồng, bởi vậy nên việc sở hữu một cây đài thất thốn để trang trí vào dịp Tết còn thể hiện đẳng cấp của gia chủ.

Đào đá

Đào đá mọc chủ yếu trong rừng sâu, thân cây xù xì, cành to khỏe, do có các thực vật khác ký sinh nên thân cây có hình dạng rất đặc biệt. Đào đá có 5 cánh đơn rất đẹp mắt nhưng lại ít hoa hơn so với đào bích hay đào phai.

Công dụng của cây hoa đào

Công dụng đầu tiên và phổ biến nhất của hoa đào chính là làm hoa Tết. Vào mỗi dịp xuân về, hoa đào thường được đặt trong chậu hay cắm trong bình, trang trí tại phòng khách để làm đẹp nhà cửa.

Trồng hoa đào ở sân vườn cũng là một cách để tô điểm không gian sống.

Đào là loại hoa quen thuộc trong dịp Tết
Đào là loại hoa quen thuộc trong dịp Tết

Ngoài làm cây trang trí nội thất, làm đẹp, cây đào còn được ghi nhận là mang lại nhiều công dụng trong đông y. Cụ thể cây hoa đào có thể dùng để trị nhuận tràng, điều hòa hô hấp, trị ho, cân bằng huyết áp, giảm tắc nghẽn mạch máu, giảm đau bụng kinh…

Rất nhiều công dụng tuyệt vời phải không nào, không những thế cây hoa đào còn mang trong mình rất nhiều ý nghĩa đấy.

Ý nghĩa của hoa đào

Vào dịp năm mới, người ta thường trang trí hoa đào trong nhà. Bởi hoa đào có thể nở hoa ngay trong thời tiết giá rét, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, vượt qua gian khó.

Trưng hoa đào trong nhà dịp xuân về còn mang ý nghĩa mong muốn cho gia đình gặp nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào, vạn sự như ý, công việc và cuộc sống đều gặp nhiều thuận lợi.

Trong ngũ hành, hoa đào mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, giúp người trong nhà sống bình an, tránh vận rủi.

Trong tình bạn, hoa đào tượng trưng cho tình bạn thắm thiết keo sơn, dựa theo chuyện kết nghĩa vườn đào trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.

Ngoài ra, loài hoa này còn tượng trưng cho sự dịu dàng, sắt son, chung thủy, và vẻ đẹp của người con gái xứ Bắc.

Loài hoa này mang nhiều ý nghĩa
Loài hoa này mang nhiều ý nghĩa

Cách trồng cây hoa đào

Như đã thông tin ở trên, có nhiều cách để trồng cây hoa đào như gieo hạt, giâm cành, ghép cành… trong đó ghép cành là phương pháp được lựa chọn nhiều nhất vì cây sinh trưởng nhanh, dễ ra hoa.

Lựa chọn cành đào để ghép

Để cây con có khả năng sống sót cao, sinh trưởng tốt thì việc chọn giống là rất quan trọng. Cành để ghép phải đạt ít nhất 1 năm tuổi, khỏe mạnh, không có dấu hiệu sâu bệnh.

Sau khi chọn được cành thì cắt một đoạn từ 6 – 10cm, đoạn cành phải có 2 – 3 mắt, cắt bỏ các mầm yếu và phần ngọn.

Phương pháp ghép

Để ghép cành đào, bạn có thể chọn 1 trong 2 cách là ghép áp và ghép mắt nhỏ có gỗ, mỗi cách đều có ưu và nhược điểm riêng.

Ghép áp:

  • Cắt cây gốc ghép: Chọn phía gốc ghép trơn nhẵn dài 3-4 cm, rạch một vết dao nghiêng 45 độ hướng lên trên để cắt 1/3 lớp gỗ, chừa lại 2-3 lá thật trên gốc ghép. Đối với chồi ghép cũng vạt một mặt xiên tương tự, sau đó tiến hành áp mặt cắt của chồi ghép vào gốc ghép để ghép.
  • Cắt ghép cành: Nên đặt mặt dài của cành ghép vào trong, sau đó dùng ni lông tự phân hủy quấn chặt từ dưới lên quanh vết ghép theo hình tròn để cố định.

Ghép mắt nhỏ có gỗ:

  • Chọn gốc ghép cách mặt đất khoảng từ 20 – 25cm.
  • Cắt lấy mắt ghép: Vết cắt ở gốc phải bằng với kích thước của cành ghép, cách mắt dưới khoảng 1/2 cm.
  • Cấy mắt ghép vào gốc sau đó cố định lại cành ghép trên gốc bằng nilong.

Sau khi tiến hành ghép cành, bạn có thể chăm sóc như bình thường. Khoảng 2 – 4 tuần thì cành sẽ đủ khỏe mạnh, lúc này bạn có thể thao dây buộc.

Chăm sóc hoa đào nở đẹp dịp Tết

Cây hoa đào sau khi nhân giống thường được chăm sóc ở vườn, nếu là người chơi đơn giản thì có thể trồng trong chậu.

Dù cây có khả năng thích nghi khá tốt, nhưng để sinh trưởng mạnh và ra hoa vào đúng dịp Tết thì cũng không phải chuyện đơn giản.

Các bước chăm sóc cơ bản

Về môi trường sống, đào là loài ưa thoáng mát nên cần được trồng hay đặt ở nơi nhiều ánh sáng như sân vườn, gân cửa sổ…

Cây có khả năng chịu hạn, chịu rét tốt, nhu cầu nước trung bình. Tùy vào thời tiết mà có cách chăm sóc phù hợp như thời tiết ấm thì chăm sóc muộn hơn, thời tiết rét thì chăm sóc sớm hơn.

Người ta thường bắt đầu trồng và chăm sóc đào vào cuối tháng giêng. Sau vài tháng khi cành lá ra nhiều thì ta bắt đầu cắt tỉa, bỏ cành xấu, làm đều tán, tạo dáng cây, giai đoạn này thường rơi vào tháng 5.

Chăm sóc đều đặn cho cây
Chăm sóc đều đặn cho cây

Vào khoảng tháng 7 – 8 chúng ta tiến hành đảo bầu. Cách thực hiện là bạn chọn một ngày nắng đẹp, đào bầu cây lên, sâu khoảng 20 – 30cm rồi chuyển bầu cây đó qua một cái hố khác, lấp lại như trồng cây mới.

Vào khoảng tháng 11 âm thì bạn tiến hành tuốt lá để kích thích nụ, tạo điều kiện để hoa nở đúng dịp Tết. Bạn cứ mạnh dạn tuốt sạch lá trên cây bằng tay, cẩn thận kẻo làm gãy cành nhé.

Sau khi tuốt lá, bạn canh thời điểm cây chuẩn bị ra hoa và lá lại thì bón phân thêm để giúp nụ to đẹp, cây có đủ dinh dưỡng để tiếp tục phát triển.

Kích thích hoa đào nở nhanh

Quá trình hoa đào nở phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nếu nhận thấy nụ chưa hé, có khả năng nở muộn thì bạn có thể kích thích đào nở nhanh hơn bằng cách tăng nhiệt độ.

  • Sử dụng bóng đèn để tăng nhiệt độ.
  • Tưới nước ấm khoảng 45 – 50 độ C xung quanh gốc cây, tưới 3 lần mỗi ngày để kích thích hoa nở nhờ nhiệt độ ấm.
  • Pha loãng phân lân và phân kali với nước rồi tưới cho cây.

Cách hãm hoa đào nở chậm lại

Ngược lại với quá trình kích thích, bạn có thể hãm quá trình nở hoa bằng cách giảm nhiệt độ xung quanh cây xuống.

  • Sử dụng nước lạnh để giảm nhiệt, hãm cho hoa nở.
  • Sử dụng giàn che che nắng, sau đó sử dụng phân ure có nồng độ 1% pha loãng với nước rồi tưới cho cây.

Cách giữ hoa đào tươi lâu ngày Tết

Có một cây hoa đào đẹp, nở đúng dịp để chơi Tết đã là một niềm hành phúc, tuy vậy bạn không nên bỏ qua những lưu ý sau để giúp hoa đào tươi lâu, giúp trang trí được trong thời gian dài.

  • Đối với hoa đào cắm trong bình: đảm bảo dinh dưỡng và thay nước thường xuyên cho cây, đặt bình ở nơi ít hướng gió và có ánh nắng đầy đủ.
  • Đối với hoa đào trồng trong chậu: nên chọn loại đất pha cát để có độ ẩm vừa và khả năng thoát nước cao giúp cây không bị ngập úng. Nên đặt cây ở những nơi có ít gió, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, sử dụng nước lạnh để tưới nước cho cây.

Trên đây là những thông tin về các loại hoa đào và cách để trồng, chăm sóc loài hoa tuyệt đẹp này. Hãy áp dụng ngay để có một cây cảnh tuyệt đẹp để trưng Tết nhé.

Chúc bạn thành công.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *